H.T.M (28 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) làm kế toán tại một công ty xuất nhập khẩu, từng có mối tình kéo dài 7 năm.
Chia tay trong tâm hồn
Ban đầu, M. và người yêu đến với nhau bằng những cảm xúc chân thành. Thế nhưng, khi thời gian trôi qua, tình yêu không còn nồng nhiệt như trước. Cô phát hiện mình ở bên cạnh người yêu không phải vì yêu mà vì sợ anh tổn thương.
"Anh ấy quá yếu đuối, từng nói sẽ không thể sống nổi nếu không có tôi. Nhiều lần tôi định nói lời chia tay vì tính cách, sở thích của cả hai quá khác biệt, trò chuyện đôi ba câu là không còn gì để nói. Thế nhưng, mỗi khi tôi định đề cập đến chuyện chia tay, anh lại bắt đầu khóc. Tôi sợ nếu mình buông tay, anh ấy sẽ gục ngã" - M. chia sẻ.
Những tháng ngày sau đó, M. sống trong tâm trạng mệt mỏi và bức bối. Cô ở bên người yêu không phải vì hạnh phúc mà vì cảm giác trách nhiệm và lòng thương hại. Cô không dám kết thúc nhưng cũng không thể tìm thấy niềm vui khi thực chất, cả hai đã "chia tay trong tâm hồn" từ rất lâu.
N.T.L và H.M.N (cùng 29 tuổi, ngụ Đồng Nai) yêu nhau từ thời đại học nhưng sau một tai nạn, N. bị chấn thương nặng và phải ngồi xe lăn suốt đời. Cảm thấy có trách nhiệm nên L. vẫn ở bên N. nhưng tình yêu trong cô dần phai nhạt. Mỗi lần muốn rời đi, cô lại cảm thấy có lỗi.
Về phía N., anh cảm nhận được sự thay đổi của người yêu, khi không còn thấy niềm hạnh phúc trong đôi mắt cô mỗi khi họ bên nhau; nhận ra những cái ôm, những lời nói yêu thương của L. dần trở thành gánh nặng. Cuối năm rồi, N. đã quyết định chia tay L. "Tôi không muốn cô ấy ở bên tôi chỉ vì trách nhiệm. Điều đó không công bằng cho cả hai" - anh N. tâm sự.
Sau khi chia tay, bây giờ dường như L. đã tìm lại được chính mình, còn N. cũng dần học cách sống độc lập và tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống.
T.T.A (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) quen L.T.T.M (24 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) khi M. đang trầm cảm nặng vì bị phản bội trong tình yêu. A. luôn ở bên an ủi, chăm sóc, giúp cô vượt qua những ngày khó khăn. Khi M. bắt đầu hồi phục, cô nhận ra mình không thật sự yêu A. nhưng lại sợ làm tổn thương anh nếu từ chối tình cảm. Cô chấp nhận quen A. vì nghĩ rằng mình có thể học cách yêu sau.
Nhưng theo thời gian, M. cảm thấy ngột ngạt trong mối quan hệ. Cô không thể đáp lại sự quan tâm của A. một cách chân thành và điều đó khiến cô ngày càng xa cách. A. bắt đầu nghi ngờ, cảm thấy M. chỉ đang ở bên anh để trả ơn. Một ngày, trong cơn say, anh buột miệng: "Nếu em chưa từng yêu anh thì tất cả những gì anh làm có nghĩa lý gì?".
Lúc đó, M. mới nhận ra cô không chỉ tự làm khổ bản thân mà còn khiến A. tổn thương sâu sắc hơn nhiều so với việc từ chối anh ngay từ đầu.
![Minh họa AI: Vy Thư Minh họa AI: Vy Thư](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/15/12-thumbnailimg5348-1739624521472299286525.jpg)
Minh họa AI: Vy Thư
Níu kéo cũng vô ích
Từ 3 câu chuyện trên, có thể thấy lòng thương hại không thể nuôi dưỡng một tình yêu bền vững. Khi một người ở lại chỉ vì sợ làm tổn thương đối phương, họ không chỉ làm khổ chính mình mà còn khiến người kia đau đớn hơn khi sự thật bị phơi bày.
Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta dễ nhầm lẫn giữa yêu và thương hại, giữa trân trọng và níu kéo?
Thực tế, nhiều người sợ mình trở thành "kẻ ác" khi nói lời chia tay. Họ nghĩ chỉ cần mình ở lại, đối phương sẽ không đau lòng. Bên cạnh đó, cảm giác trống trải, không biết bắt đầu lại từ đâu sau khi chia tay khiến nhiều người cố bám víu vào một mối quan hệ đã cạn tình cảm.
Một vấn đề nữa là áp lực từ xã hội và gia đình. "Yêu lâu rồi, sao phải chia tay", "Đã có con rồi thì ráng chịu đựng"…, những lời khuyên như thế khiến nhiều người chấp nhận ở lại dù trái tim đã không còn nguyên vẹn.
Ngoài ra, không ít người nghĩ rằng chỉ cần kiên nhẫn níu kéo, tình yêu sẽ trở lại mà không biết rằng tình yêu không phải là phép mầu. Nếu cảm xúc đã mất, việc níu giữ chỉ khiến sự tổn thương kéo dài.
Theo bà Ngô Minh Thy, chuyên gia tâm lý, trước khi quyết định ở lại hay ra đi, hãy tự hỏi: Mình ở lại vì yêu hay vì thương hại? Nếu câu trả lời nghiêng về sự thương hại, hãy dũng cảm đối diện sự thật.
"Khi tình yêu đã phai nhạt, việc dũng cảm nói lời chia tay đôi khi là sự tôn trọng lớn nhất bạn dành cho người kia. Hãy nhớ, một mối quan hệ chỉ hạnh phúc khi cả hai đều cảm thấy được yêu thương chứ không phải bị ràng buộc. Về phía người "bị chia tay", cô đơn không đáng sợ bằng việc ở bên một người mà trái tim không còn rung động. Hãy học cách yêu thương chính mình, tìm niềm vui trong cuộc sống trước khi tìm kiếm một tình yêu mới. Tình yêu thật sự không cần phải níu kéo, bởi khi bạn phải cố gắng để giữ lấy ai đó, điều đó đồng nghĩa với việc họ không còn muốn đồng hành cùng bạn nữa" - bà Ngô Minh Thy nói.
Việc duy trì một mối quan hệ không tình yêu khiến cả hai đều lỡ mất cơ hội tìm kiếm một người thực sự phù hợp.
Tôn trọng bản thân
Từ câu chuyện của mình, anh H.M.N chia sẻ chia tay là một trải nghiệm không dễ dàng nhưng điều quan trọng là học cách bước tiếp mà không oán trách hay hối tiếc. Tình yêu chân thành sẽ đến khi ta biết tôn trọng bản thân, biết yêu và buông bỏ khi cần thiết.
Bình luận (0)