Khách mời dự tiệc cưới ngoài họ hàng, thông gia, bạn bè hai bên còn có rất nhiều đồng nghiệp đang làm việc ở cơ quan, đồng nghiệp đã nghỉ hưu. Ngoài việc đến chung vui cùng gia đình chị, nhiều khách mời còn xem tiệc cưới là dịp để mọi người có thể gặp gỡ, hàn huyên, hỏi han nhau về sức khỏe, cuộc sống, nhất là vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán sắp đến.
Thế nhưng, buổi tiệc bắt đầu chưa bao lâu thì các tiết mục văn nghệ vang lên với dàn loa, âm thanh mở hết công suất.
Các cuộc tâm tình, trò chuyện giữa những đồng nghiệp lớn tuổi, tai hơi bị khó nghe lâu rồi mới có dịp gặp lại nhau thường xuyên bị đứt quãng, gián đoạn mỗi khi âm nhạc, tiếng hát của ca sĩ vang lên.
Mỗi khi "ca sĩ" là khách mời của hai họ lên đăng ký hát, những tiếng "hò hét", gào la cộng với âm thanh, dàn loa được nhà hàng tiệc cưới mở hết cỡ khiến thực khách vô cùng khó chịu, thậm chí căng thẳng.
Đến giữa buổi tiệc, dường như không chịu nổi, nhiều người lớn tuổi đành phải xin phép chủ nhân buổi tiệc cưới để về sớm. Nhiều người đành hẹn một ngày nào đó sẽ gặp nhau ở một nơi khác, không ồn ào để có thể trò chuyện.
Thường xuyên dự các buổi tiệc cưới của bạn bè, người thân và đồng nghiệp tại các nhà hàng, tôi nghĩ đã đến lúc việc tổ chức các buổi tiệc cưới ở đây cần phải có tính chuyên nghiệp, văn minh hơn để buổi tiệc diễn ra được trang trọng, ấm cúng.
Nên chăng, nhà hàng cần có quy định việc tổ chức văn nghệ trong các buổi tiệc cưới. Trong đó, mục văn nghệ dành cho người đăng ký lên hát nên sắp xếp gần cuối buổi tiệc, để khoảng thời gian trước đó, thực khách có thể vừa ăn uống vừa trò chuyện mà không thấy khó chịu bởi âm thanh quá lớn hoặc từ việc hát quá ồn ào.
Ngoài ra, đối với khách dự tiệc cưới, nếu thích hát thì cũng nên chọn bài vừa phải, phù hợp, không giành micro trên sân khấu… Đó cũng là văn hóa cần có của người dự tiệc, để tiệc cưới được diễn ra ấm cúng, lịch sự và văn minh hơn.
Bình luận (0)