Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải TP HCM (viết tắt là Trung tâm), hiện trên địa bàn TP HCM có 1.760 phương tiện đang hoạt động trên 90 tuyến xe buýt có trợ giá. Để vận hành 1.760 phương tiện, các đơn vị vận tải đang bố trí 1.921 tài xế và 1.944 nhân viên phục vụ trên xe.
Một số khó khăn
"Với 120 tuyến, mạng lưới tuyến xe buýt đã bao phủ hầu hết các quận, huyện, cơ sở giáo dục, y tế, trung tâm văn hóa, du lịch, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại người dân thành phố, với hơn 13.000 chuyến/ngày, vận chuyển khoảng 250.000 lượt hành khách/ngày.
Do địa bàn hoạt động rộng khắp, số lượng hành khách phục vụ mỗi ngày cao nên công tác quản lý luôn đòi hỏi phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số để quản lý tốt hoạt động của phương tiện, đội ngũ tài xế và nhân viên phục vụ trên xe" - ông Phạm Vương Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết.
Cũng theo ông Phạm Vương Bảo, hiện đội ngũ tài xế và nhân viên phục vụ trên xe lớn (hơn 3.800 lao động làm việc mỗi ngày), khối lượng vận chuyển cao.
Bình quân mỗi ngày hoạt động khoảng 13.000 chuyến xe, thời gian hoạt động từ 3 giờ 30 phút đến 22 giờ. Hoạt động xe buýt diễn ra thường xuyên, liên tục, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết nên trong công tác quản lý hành vi của tài xế trên từng chuyến xe cũng có khó khăn nhất định.
Việc chưa có làn đường dành riêng hoặc ưu tiên, xe buýt phải lưu thông trên làn đường hỗn hợp cùng các phương tiện giao thông khác, đồng thời phương tiện phải ra vào trạm thường xuyên để đón trả khách trong khi mật độ phương tiện tham gia giao thông trên đường rất lớn nên tài xế phải thường xuyên tập trung cao độ để bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình hoạt động trên tuyến.
Hiện mỗi tuyến xe buýt được công bố biểu đồ giờ chạy để làm cơ sở cho hoạt động của từng tuyến. Căn cứ vào biểu đồ giờ, các đơn vị vận tải bố trí phương tiện, lao động trực tiếp làm việc trên xe (bao gồm tài xế và nhân viên phục vụ) trên tuyến phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm số chuyến vận doanh theo quy định nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.
"Về quy định của pháp luật liên quan đến thời gian làm việc của tài xế, Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 quy định: "Thời gian lái xe của người lái ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ Luật Lao động".
Căn cứ quy định này, trong thời gian vừa qua, Trung tâm đã có văn bản gửi các đơn vị vận tải để rà soát, bố trí nhân viên lái xe theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức các cuộc họp để trao đổi những nội dung này nhằm phối hợp cơ sở đào tạo lái xe tổ chức các lớp đào tạo sát hạch, làm việc với các đơn vị cung cấp nhân lực lái xe để kịp thời bổ sung lực lượng lái xe trong thời gian tới" - ông Phạm Vương Bảo thông tin.
Cải thiện điều kiện làm việc
Một tuần đi cùng các tài xế, phụ xe buýt, trò chuyện và tận mắt chứng kiến sinh hoạt, công việc, cuộc sống của họ, chúng tôi càng hiểu hơn những áp lực mà họ phải đối mặt mỗi ngày dẫn đến mệt mỏi và căng thẳng.
Khi căng thẳng kéo dài có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như đau đầu, mất ngủ, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Về mặt tâm lý, căng thẳng khiến tài xế dễ mất kiên nhẫn, dẫn đến hành vi lái xe nguy hiểm hoặc thiếu thân thiện với hành khách. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn làm giảm chất lượng dịch vụ xe buýt.
Theo KTS Trương Nam Thuận (Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh), để giúp tài xế có đủ thời gian nghỉ ngơi, duy trì sự tập trung khi lái xe, cần thực hiện nghiêm túc số giờ lái xe liên tục và tổng số giờ lái xe trong ngày.
Bên cạnh đó, cung cấp các khóa đào tạo về kỹ năng quản lý căng thẳng, kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống cho tài xế, qua đó giúp họ ứng phó tốt hơn với các tình huống căng thẳng trong công việc.
"Xe buýt cần được bảo dưỡng tốt, sạch sẽ và thoải mái. Trang bị hệ thống điều hòa không khí, ghế ngồi êm ái và giảm tiếng ồn trong xe sẽ giúp tài xế cảm thấy dễ chịu hơn khi làm việc" - KTS Trương Nam Thuận nêu ý kiến.
ThS Đinh Văn Mãi, giảng viên Trường Đại học Văn Lang, đề xuất cơ quan quản lý cần thiết kế hạ tầng giao thông tối ưu cho xe buýt, rà soát, cải thiện hệ thống biển báo, vạch kẻ đường… nhằm bảo đảm xe buýt vận hành đúng giờ.
Ngoài ra, cần tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo bắt buộc, đi kèm với cấp chứng chỉ hành nghề. Các chương trình này không chỉ nâng cao năng lực, chuyên môn cho tài xế, nhân viên xe buýt mà còn góp phần xây dựng niềm tin nơi hành khách, rằng họ đang tham gia một hành trình được bảo đảm an toàn ở mức cao nhất.
Nói thêm về vai trò của nhân viên phụ xe buýt, KTS Trương Nam Thuận lưu ý phụ xe dù không phải là người trực tiếp điều khiển phương tiện nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn và chất lượng của mỗi hành trình. Thực tế hiện nay, vai trò của phụ xe chưa được nhìn nhận và đầu tư đúng mức, đặc biệt là trong việc trang bị các kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp và cấp cứu cơ bản.
Đây là một lỗ hổng cần được khắc phục để nâng cao an toàn giao thông cũng như bảo vệ tính mạng con người. Ví dụ trường hợp tài xế gặp vấn đề sức khỏe như đột quỵ, đau tim hoặc kiệt sức, phụ xe cần có khả năng nhận biết và xử lý để đưa phương tiện dừng lại an toàn và chăm sóc đúng cách cho tài xế. Hoặc biết cách hỗ trợ hành khách trong các trường hợp khẩn cấp như ngất xỉu, khó thở hay bị thương, bảo đảm mọi người đều được chăm sóc kịp thời trước khi lực lượng y tế đến.
Việc đào tạo kỹ năng cấp cứu cho phụ xe không chỉ ở việc hướng dẫn cách thực hiện hô hấp nhân tạo, cầm máu hay sơ cứu cơ bản. Điều quan trọng hơn cả là trang bị cho họ khả năng giữ bình tĩnh, đánh giá tình huống và tổ chức xử lý một cách khoa học.
Một phụ xe được đào tạo bài bản sẽ biết cách phối hợp với tài xế, hành khách và các cơ quan chức năng để giảm thiểu rủi ro trong những tình huống nguy cấp.
"Nếu được đầu tư đúng mức, phụ xe không chỉ là người hỗ trợ tài xế mà còn trở thành một "lá chắn" bảo vệ hành khách trong mọi tình huống. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là trách nhiệm chung của ngành vận tải trong việc xây dựng những chuyến đi an toàn và nhân văn" - KTS Trương Nam Thuận nói.
Giảm căng thẳng cho tài xế xe buýt đòi hỏi sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp vận tải và bản thân tài xế.
Để người dân hưởng ứng
Phân tích về tỉ lệ sử dụng xe buýt tại TP HCM hiện vẫn còn thấp so với tiềm năng, KTS Trương Nam Thuận chỉ ra nguyên nhân do hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ chưa tốt, khả năng thích nghi với nhu cầu đa dạng của hành khách còn hạn chế và các tuyến đường thường xuyên ùn tắc.
Bên cạnh đó, trạm chờ xe buýt ở nhiều nơi thiết kế chưa tiện lợi, thiếu mái che hoặc không bảo đảm an toàn, gây bất tiện cho hành khách, đặc biệt là người cao tuổi. Bãi đỗ và khu vực trung chuyển thiếu sự tổ chức, làm giảm hiệu quả vận hành và gây khó khăn cho người sử dụng.
Đưa ra giải pháp, KTS Trương Nam Thuận đề xuất thay vì cố gắng phục vụ mọi thành phần xã hội, hệ thống xe buýt nên tập trung cải thiện dịch vụ cho các nhóm đối tượng chính như học sinh, sinh viên và người cao tuổi.
Điều này không chỉ thực tế mà còn góp phần tăng hiệu quả vận hành, thu hút thêm lượng khách hàng trung thành, từ đó mở rộng phạm vi phục vụ lâu dài.
"Việc cải thiện các yếu tố như giờ chạy, tuyến đường, cơ sở vật chất sẽ giúp xe buýt trở nên hấp dẫn hơn. Chiến dịch quảng bá nhằm thay đổi thói quen di chuyển của người dân, nhấn mạnh lợi ích về kinh tế và môi trường, cũng là một hướng đi hiệu quả để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt thay vì phương tiện cá nhân" - KTS Trương Nam Thuận nói.
ThS Đinh Văn Mãi góp ý cần duy trì các chính sách hỗ trợ vé xe buýt cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người lao động thông qua nhiều hình thức khác nhau; đồng thời đa dạng hóa cách thức thanh toán hiện đại để gia tăng tiện lợi.
______________
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-12
Bình luận (0)