Tối 12-7, một CSGT ở Hà Tĩnh khi làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn đã bị chiếc xe máy chở theo 2 thanh niên tông phải. Cả 3 người sau đó phải cấp cứu tại bệnh viện với tình trạng thương tích nặng nề.
Hôm 26-6 ở Hà Nội, một nam thanh niên không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, tông vào một đại úy CSGT. Còn trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa ngày 27-5, một trung tá CSGT đã bị xe máy lao trúng, gây hậu quả rất đáng tiếc…
Đó là 3 trong nhiều sự việc có nguyên nhân từ chuyện người có dấu hiệu vi phạm muốn trốn tránh việc xử lý.
Diễn biến tâm lý từ lo lắng, né tránh tới bột phát sự liều lĩnh có thể xuất hiện trong thời gian rất ngắn, gây rủi ro về an toàn tính mạng. Thậm chí, ngay cả khi CSGT dừng được xe, những màn cãi vã, đấu lý dễ xảy ra và ít nhiều đều ảnh hưởng tới hình ảnh của không chỉ một phía.
Thời gian qua, việc phạt nguội thường nhắm đến ô tô, trong khi xe máy với số lượng nhiều hơn, nguy cơ phạm luật không kém… thì phát hiện vi phạm thường nhờ ở lực lượng trực tiếp xuống đường. Đây là một nghịch lý mà hậu quả như trên đã nói, rất không nên xảy ra.
Camera trên các tuyến đường đã nhiều, công tác định danh biển số xe đã tốt, việc tước giấy phép lái xe qua ứng dụng VNeID đang phát huy tác dụng.
Với công nghệ hiện nay, giải pháp tích hợp và tối ưu chúng cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Qua đó, hạn chế thấp nhất việc lực lượng chức năng trực tiếp ra đường xử lý. Đồng thời, công nghệ rõ ràng như giấy trắng mực đen sẽ nâng cao đáng kể ý thức thượng tôn pháp luật…
Bình luận (0)