Thời gian gần đây, các hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội nở rộ việc cho thuê giấy phép lái xe (GPLX). Trong đó, người cần cho thuê GPLX sẽ giới thiệu các thông tin về hạng GPLX, thời hạn của GPLX và mức giá cũng như khu vực có thể cho thuê.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng việc nhờ người khác nhận thay hành vi vi phạm giao thông để không bị giữ GPLX là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro cần bị xử lý nghiêm. Việc cho thuê GPLX để nhận thay hành vi vi phạm giao thông xuất phát từ quy định về phạt nguội.
Theo luật sư Cường, về nguyên tắc, bằng các thiết bị điện tử, cơ quan chức năng sẽ phát hiện ra những phương tiện giao thông vi phạm luật giao thông đường bộ, như: Vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, chạy quá tốc độ hoặc chuyển hướng không bật đèn tín hiệu…
Theo đó, khi phát hiện các hành vi vi phạm giao thông đường bộ thì chủ phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm, trong trường hợp chủ phương tiện đó có tài liệu chứng minh rằng mình đã cho người khác thuê, mượn phương tiện thì người thuê, mượn đó phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm. Chính vì vậy, xuất hiện hiện tượng có những người sẵn sàng đứng ra nhận thay mình là người điều khiển phương tiện đó và nộp phạt thay, chấp nhận nộp GPLX để cơ quan thẩm quyền tạm giữ.
Để hạn chế việc này, theo luật sư Đặng Văn Cường, cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đặc biệt là ý thức của những người có ý định thuê mượn GPLX thuê, nhờ người khác đứng ra nhận thay mình. Nếu phát hiện có việc thuê mướn, nhận thay thì cần xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.
Liên quan đến vấn đề pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết từ 1-6-2024, Thông tư 05/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái của Bộ Giao thông vận tải sẽ có hiệu lực. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ thu hồi GPLX nếu phát hiện được cho người khác sử dụng GPLX của mình.
Cụ thể, Thông tư 05/2024 sửa đổi, bổ sung khoản 14 Điều 33 Thông tư số 12/2017/ (đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 19 Điều 1 Thông tư số 38/2019/) như sau:
Các trường hợp thu hồi GPLX bao gồm: Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp GPLX; người lái xe tẩy, xoá, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; để người khác sử dụng GPLX của mình; cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện; có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng GPLX, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký;
"Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 10 Điều 5; điểm h và điểm i khoản 8 Điều 6 Nghị định số 100/2019)"- Thông tư 05/2024 quy định các trường hợp bị thu hồi GPLX như trên.
Thông tư 05/2024 cũng bổ sung khoản 17 vào Điều 33 Thông tư số 12/2017 như sau: Người lái xe có các hành vi sử dụng GPLX giả, sử dụng GPLX đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, Cơ quan quản lý GPLX cập nhật dữ liệu về hành vi vi phạm trên hệ thống thông tin GPLX kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm; nếu có nhu cầu cấp lại GPLX phải học và sát hạch lại như trường hợp cấp GPLX lần đầu.
Bình luận (0)