xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tối ưu việc cấp phép, quản lý xây dựng

Bài và ảnh: QUỐC ANH

Ứng dụng công nghệ trong cấp phép và giám sát xây dựng; hoàn thiện quy định để tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức là 2 trong nhiều giải pháp TP HCM áp dụng

Ngày 15-12, Thường trực HĐND TP HCM và Đài Truyền hình TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 12 với chủ đề "Cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng".

Làm nghiêm nhưng không gây xáo trộn

Tại chương trình, cử tri Phan Thanh Thọ - phường Phước Long B, TP Thủ Đức - cho biết hiện nay, Sở Xây dựng TP HCM đề xuất nhà trọ muốn hoạt động phải bảo đảm diện tích sàn tối thiểu 4 m2/người và các quy định về phòng cháy - chữa cháy. 

"Với tiêu chí đặt ra như vậy thì bao nhiêu nhà trọ đạt chuẩn và bao nhiêu nhà trọ không đạt chuẩn? Nếu không đạt chuẩn thì hướng giải quyết như thế nào?" - cử tri đặt vấn đề.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, thông tin trên địa bàn thành phố có gần 60.000 công trình nhà ở riêng lẻ có mục đích thuê để ở, với hơn 629.000 phòng. Trong đó, số lượng phòng đáp ứng tiêu chuẩn sàn 4 m2/người khoảng 555.000, còn lại là chưa.

Sở Xây dựng nhận thấy khi cải tạo, sửa chữa để các phòng trọ đạt tiêu chuẩn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến người thuê. Song, việc này là cấp thiết để bảo đảm tiêu chí về phòng cháy - chữa cháy, thoát nạn, an toàn sử dụng.

"Đối với các trường hợp không đạt chuẩn thì yêu cầu chủ sở hữu có tiến độ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Tuy vậy, Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND thành phố yêu cầu cơ quan liên quan khi thực hiện thì không áp dụng biện pháp tháo dỡ, đóng cửa, tránh gây xáo trộn đời sống dân cư ngay lập tức" - ông Khiết nói. 

Theo ông, Sở Xây dựng đã đề xuất chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đạt chuẩn tối thiểu, như hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi, tiền điện nước, chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính.

Tối ưu việc cấp phép, quản lý xây dựng- Ảnh 2.

Nhiều thông tin từ chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” được cung cấp tới người dân

Cấp phép chuẩn, quản lý chặt

Đề cập công tác quản lý trật tự xây dựng, ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh việc tuyên truyền, huyện còn lập ứng dụng "Bình Chánh trực tuyến" để tiếp nhận phản ánh trật tự xây dựng. Tổ 247 sẽ trực tiếp kiểm tra thông tin phản ánh để xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, huyện Bình Chánh phối hợp với Sở Xây dựng có kế hoạch liên tịch từ năm 2019. Nhờ vậy, đến nay, tình hình trật tự xây dựng ở địa phương tương đối ổn định, riêng địa bàn xã Vĩnh Lộc B số vụ vi phạm giảm 95% so với năm 2019.

Ông Phan Cường, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 12, cho hay quận dùng phần mềm ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong công tác quản lý tài nguyên - môi trường và quản lý đô thị từ năm 2023. Việc này trong bối cảnh địa bàn quận rộng đã mang lại kết quả khi phát hiện vi phạm sớm, tránh lãng phí như trong trường hợp xử lý công trình vi phạm hoàn chỉnh.

Ông Cường hy vọng phần mềm này nâng cấp thêm các tính năng thuận lợi khác như cấp được giấy phép xây dựng.

Ông Hồ Ngọc Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức, cho biết Thủ Đức tồn tại nhiều lô đất trên 1.000 m2. 

Với trường hợp xây dựng diện tích lớn, phân chia thành nhiều phòng thì UBND TP Thủ Đức xem xét, nhận định từng trường hợp cụ thể để hướng dẫn người dân đầu tư xây dựng theo từng loại hình theo đúng mục đích. Theo ông Tùng, điều này nhằm tránh phát sinh công trình vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch kiến trúc trên địa bàn.

Tối ưu việc cấp phép, quản lý xây dựng- Ảnh 3.

Công trình vi phạm ở quận Bình Tân, TP HCM bị xử lý

Hoàn thiện quy định

Ghi nhận nhiều kết quả trong công tác cấp phép và quản lý trật tự xây dựng, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP HCM, cho rằng còn một số tồn tại cần tháo gỡ.

Qua chương trình, Thường trực HĐND TP HCM đề nghị Sở Xây dựng triển khai đồng bộ các việc. Trong đó, áp dụng công nghệ mới, hiện đại quản lý trật tự xây dựng để bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với hành vi vi phạm; đặc biệt quan tâm loại hình chung cư, nhà trọ.

"Tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm tồn đọng trên địa bàn quản lý; hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương; rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện những quy định, quy chế, hướng dẫn hiện nay trên địa bàn" - bà Vân nhấn mạnh.

Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được đề nghị thống kê số liệu vi phạm về đất đai, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của địa phương, đồng thời sớm tham mưu cho UBND TP HCM hướng dẫn chuyển mục đích sử dụng đất với khu vực quy hoạch đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới. Theo bà Vân, đây là vấn đề cử tri hết sức quan tâm và HĐND TP HCM có giám sát, kiến nghị cụ thể từ năm 2017 đến nay.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu cho UBND TP HCM công bố hủy bỏ những dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà đã quá 3 năm theo Luật Đất đai năm 2013 và quá 2 năm theo Luật Đất đai năm 2024 để người dân biết, thực hiện quyền của mình.

Bên cạnh đó, bà Vân còn đề nghị các địa phương, ban quản lý phải bảo đảm công trình vi phạm bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời cũng như xử lý dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 

Nhiều mẫu nhà lỗi thời

Với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM lưu ý sớm hoàn thành, trình phê duyệt các đồ án quy hoạch hiện nay và khẩn trương tham mưu điều chỉnh Quyết định 56/2021 về quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn.

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm các khu vực phân lô, quy hoạch chi tiết 1/500 mà phê duyệt cách đây lâu có những mẫu nhà lỗi thời, không còn phù hợp.

Tối ưu việc cấp phép, quản lý xây dựng- Ảnh 5.

Những công trình cho thuê không đạt chuẩn được đề xuất chính sách hỗ trợ

Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, số giấy phép xây dựng được cấp trên địa bàn TP HCM khoảng 290.000, số công trình vi phạm trật tự xây dựng là 2.674.

Trong đó, công trình vi phạm bị xử phạt hành chính về trật tự xây dựng là 1.418 trường hợp (53%); công trình vi phạm bị xử phạt về đất đai là 1.256 trường hợp. Bình quân số vụ vi phạm là 2,1 vụ/ngày, giảm 6,4 vụ; tỉ lệ giảm 75% so với trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23/2019 của Thành ủy TP HCM.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo