Sáng 5-6, đặt câu hỏi chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn tỉnh Quảng Trị) cho biết có ý kiến cho rằng mặc dù có nhiều cố gắng của ngành nhưng đâu đó vẫn có hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán.
Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước làm rõ quan điểm về ý kiến này và theo Tổng kiểm toán có cần xây dựng một cơ chế thanh tra độc lập, thường xuyên trong hoạt động kiểm toán ngoài thanh tra của ngành để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nhằm xây dựng Kiểm toán nhà nước trong sạch, liêm chính?
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thừa nhận có tình trạng tham nhũng tiêu cực, nhưng rất ít, đây chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh". Kiểm toán nhà nước kiên quyết loại bỏ những "con sâu" này để giữ được đạo đức chuẩn mực.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, trong Điều 8 của Luật Kiểm toán cũng đã ghi rất rõ những hành vi không được làm, bị nghiêm cấm đối với Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước. Trong hoạt động của mình, kiểm toán có những chuẩn mực về công vụ. Trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ. Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.
Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định cơ chế hiện tại về quy trình, quy chế trong hoạt động kiểm toán cũng đã tương đối đầy đủ để kiểm soát tình trạng tiêu cực trong nội bộ ngành. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán, thanh tra công vụ.
Chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cho rằng cơ quan Kiểm toán nhà nước có vai trò quan trọng trong phát hiện hành vi tham nhũng. Nhiều năm qua công cuộc phòng chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực nhưng ở đâu đó vẫn có bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm. Phải làm gì để xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, nhưng vẫn bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm?
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết "câu hỏi của đại biểu Mai là khó".
Nêu quan điểm về vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng cần làm tốt 3 việc nếu muốn tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tiêu cực mà không giảm tính năng động, sáng tạo, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói "đánh chuột không vỡ bình". Trước tiên, cần xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng. Cùng đó, cần xây dựng thiết chế nhằm phát hiện, xử lý nghiêm để không dám tham nhũng. Cuối cùng, là xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp để không cần tham nhũng.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vừa qua có nguyên nhân từ ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực chưa theo kịp yêu cầu và chỉ đạo chưa sâu sát. Giải pháp là cần nâng cao ý thức, trình độ; hoàn thiện thể chế để quy định rõ quyền, nghĩa vụ từng công chức, viên chức, chẳng hạn, công chức vào vị trí A họ được làm gì, không được làm gì, chế độ đãi ngộ gắn với quyền lợi ra sao... từ đó, đưa ra trách nhiệm gắn với quyền lợi, cùng với kiểm tra giám sát để lượng hóa cán bộ.
Bình luận (0)