Hoạt động tìm kiếm và cứu hộ quy mô lớn ở tỉnh Đông Azerbaijan - Iran kết thúc hôm 20-5 sau vụ rơi trực thăng khiến Tổng thống Ebrahim Raisi và nhiều quan chức thiệt mạng một ngày trước đó.
Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA dẫn lời người đứng đầu Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran (IRCS) Pir Hossein Kolivand cho biết thi hài của Tổng thống Raisi, Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amirabdollahian và các nạn nhân khác trên chuyến bay đã được đưa đến một nghĩa trang ở TP Tabriz thuộc tỉnh Đông Azerbaijan trong ngày 20-5.
Các cơ quan truyền thông của Iran đều gọi sự cố hôm 19-5 là "tai nạn". Vụ việc xảy ra khi ông Raisi và phái đoàn trở về Iran trên 3 chiếc trực thăng sau chuyến công du nước láng giềng Azerbaijan.
Chiếc trực thăng chở 9 người, trong đó có Tổng thống Raisi, đã gặp nạn khi bay qua vùng Varzaqan, một khu vực rừng núi ở tỉnh Đông Azerbaijan. Vụ tai nạn xảy ra trong điều kiện thời tiết xấu, sương mù dày đặc và điều này cũng đã cản trở nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, buộc lực lượng cứu hộ phải di chuyển bằng đường bộ.
Tại hiện trường, chỉ phần đuôi trực thăng được nhìn thấy gần như nguyên vẹn ở giữa rừng. Một số đoạn clip cho thấy các thành viên IRCS di chuyển các thi hài trên cáng, băng rừng để ra nơi các phương tiện có thể tiếp cận.
Nhà phân tích hàng không Kyle Bailey nói với đài Al Jazeera rằng việc thiếu liên lạc từ phi công hoặc thành viên khác của tổ bay cho thấy đã xảy ra sự cố mất kiểm soát nghiêm trọng. Bởi lẽ khi có sự cố, nhiệm vụ đầu tiên của phi công là giữ cho máy bay tiếp tục bay, sau đó là liên lạc.
Việc thiếu liên lạc có thể giúp suy đoán rằng phi công có lẽ quá tập trung vào việc hạ cánh hoặc giữ cho trực thăng tiếp tục bay. Chuyên gia này cũng cho rằng điều kiện thời tiết bất lợi và địa hình đồi núi cũng có thể góp phần dẫn đến tai nạn chết người.
Đoạn phim cho thấy đội cứu hộ và lực lượng Quân đội đang chuyển thi thể các nạn nhân trong vụ rơi trực thăng.
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei hôm 20-5 đã chấp thuận Phó Tổng thống Mohammad Mokhber làm tổng thống lâm thời, lãnh đạo nhánh hành pháp.
Ông Mokhber sẽ hợp tác với người đứng đầu các nhánh lập pháp và tư pháp để chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống mới trong vòng 50 ngày tới. Trước đó, ông Khamenei bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của Tổng thống Raisi và các quan chức đi cùng, đồng thời tuyên bố 5 ngày quốc tang để tưởng niệm.
Ông Khamenei mô tả ông Raisi là một tổng thống được lòng dân, người đã cống hiến cả cuộc đời phục vụ người dân, đất nước Iran và Hồi giáo.
Cùng ngày, theo IRNA, nội các Iran ra tuyên bố chính thức cho biết Tổng thống Raisi đã "hy sinh trên con đường phục vụ đất nước", đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hoạt động mà không có sự gián đoạn nào. Nội các Iran đã bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri Kani làm quyền bộ trưởng Ngoại giao.
Việt Nam chia buồn
Được tin Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Ebrahim Raisi, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian và một số quan chức cấp cao Iran thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay ngày 19-5, ngày 20-5, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện chia buồn tới quyền Tổng thống Iran Mohammad Mokhber; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gửi điện chia buồn tới Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện chia buồn tới quyền Bộ trưởng Ngoại giao lran Ali Bagheri Kani.
D.Ngọc
Ông Ebrahim Raisi sinh năm 1960, bắt đầu theo học tại Chủng viện tôn giáo Qom nổi tiếng khi mới 15 tuổi và tiếp tục theo học một số học giả Hồi giáo vào thời điểm đó. Mới ngoài 20 tuổi, ông được bổ nhiệm làm công tố viên ở nhiều thành phố liên tiếp trước khi làm phó công tố viên tại thủ đô Tehran. Vào năm 1983, ông kết hôn với bà Jamileh Alamolhoda (con của một giáo sĩ Hồi giáo cấp cao) và có hai con gái. Năm 1989, ông được bổ nhiệm làm công tố viên Tehran sau khi Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini qua đời.
Dưới thời Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei (người kế nhiệm ông Khomeini), ông Raisi không ngừng thăng tiến và vị thế của ông càng được củng cố khi trở thành chủ tịch của Astan Quds Razavi, một tổ chức tài trợ tôn giáo lớn, vào năm 2016. Ông trở thành nhân vật uy tín với mối quan hệ mật thiết trong giới tinh hoa tư pháp và tôn giáo. Là người theo đường lối cứng rắn và bảo thủ về tôn giáo, ông lần đầu tranh cử tổng thống vào năm 2017 nhưng thất bại.
Sau khi đắc cử tổng thống năm 2021, ông Raisi không ít lần đưa Iran vượt qua thách thức trong và ngoài nước. Chẳng hạn như nhà lãnh đạo này đã có phản ứng mạnh trước lập trường của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 và việc các bên ký kết khác không thể cứu vãn thỏa thuận này. Ông tuyên bố Iran đẩy mạnh chương trình hạt nhân nhưng nhấn mạnh nước này không quan tâm đến chế tạo bom hạt nhân. Gần đây hơn, ông dẫn dắt Iran vượt qua cuộc đối đầu căng thẳng với Israel, xuất phát từ xung đột tại Dải Gaza.
Xuân Mai
Bình luận (0)