Trong cuộc phỏng vấn với tờ Pravo (Czech) đăng tải ngày 4-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Trả lời câu hỏi về việc gửi quân đến Ukraine, tôi nói rằng không loại trừ khả năng nào".
Thế nhưng, Tổng thống Macron nhấn mạnh "điều đó không có nghĩa là chúng tôi đang có kế hoạch triển khai lực lượng của Pháp tới Ukraine trong tương lai gần. Chúng tôi đang mở một cuộc thảo luận và đang cân nhắc mọi thứ có thể làm để hỗ trợ Ukraine".
Theo ông Macron, sau hội nghị về Ukraine ở thủ đô Paris ngày 26-2, các bên tham gia cuộc họp nhất trí về 5 lĩnh vực hợp tác, bao gồm an ninh mạng, sản xuất các mặt hàng quân sự cho Ukraine, hỗ trợ an ninh cho các nước dễ bị tổn thương trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, trước hết là Moldova, hỗ trợ cho Ukraine ở biên giới với Belarus và hợp tác trong hoạt động rà phá bom mìn.
Tổng thống Pháp nói thêm: "Ngoài ra, tôi luôn hiểu rõ lằn ranh đỏ của chúng tôi: Chúng tôi không chống lại người Nga, tránh leo thang căng thẳng".
Sau hội nghị về Ukraine ở Paris ngày 26-2, ông Macron cho biết các bên tham gia đã xem xét việc gửi bộ binh tới Ukraine. Mặc dù không đạt được sự đồng thuận nhưng ông Macron vẫn để ngỏ khả năng này trong tương lai.
Sau hội nghị, hầu hết các nước tham gia đều cam kết không đưa quân tới Ukraine.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho biết sự hiện diện của quân đội phương Tây ở Ukraine có thể cần thiết để cung cấp hỗ trợ nhất định như trong các hoạt động rà phá bom mìn và huấn luyện binh lính Ukraine. Thế nhưng, sự hiện diện đó sẽ không có nghĩa là họ sẽ tham gia vào các hoạt động quân sự trong xung đột với Nga.
Trong khi cung cấp hàng tỉ USD viện trợ quân sự cho Kiev, các nước phương Tây vẫn do dự hoặc thẳng thừng bác bỏ ý tưởng gửi quân.
Ngay sau phát ngôn của tổng thống Pháp, Nhà Trắng ngày 27-2 khẳng định Mỹ không có kế hoạch triển khai binh sĩ đến Ukraine.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby khẳng định lực lượng quân nhân Mỹ duy nhất hiện diện ở Ukraine là những người đang có mặt tại đại sứ quán nước này ở Kiev để làm nhiệm vụ giải trình về số vũ khí cung cấp cho Ukraine.
Cùng ngày 27-2, các nước Đông Âu thuộc Nhóm Visegrad (gồm Czech, Slovakia, Ba Lan và Hungary) khẳng định không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine.
Gần đây, Ukraine đã phải hứng chịu nhiều thất bại sau khi viện trợ quân sự từ các đồng minh phương Tây giảm dần. Theo tạp chí Newsweek, các thất bại bao gồm việc mất quyền kiểm soát TP Avdiivka của tỉnh Dontesk vào cuối tháng 2 sau nhiều tháng giao tranh.
Bình luận (0)