Đây là nội dung được nêu trong tờ trình của UBND TP HCM gửi HĐND thành phố khóa X, tại kỳ họp 13 (kỳ họp cuối năm) đang diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-12.
Đoạn đường Nguyễn Thị Định được nâng cấp có chiều dài 2 km, từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy.
Dự án này đã được HĐND thành phố thông qua từ năm 2015 với tổng vốn thời điểm đó là 295 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016-2020.
Đến hiện tại, dự án này vẫn chưa thể thi công công trình do chưa được bàn giao mặt bằng.
Theo tờ trình của UBND thành phố tại kỳ họp lần này, dự án được đề xuất tăng tổng mức đầu tư từ 295 tỉ đồng lên thành hơn 2.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện kéo dài thêm 6 năm (2016-2026).
Trong đó, chi phí xây lắp giữ nguyên nhưng chi phí bồi thường là 295 tỉ đồng và gần 1.800 tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, chủ đầu tư dự án được chuyển từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 2 thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức.
Theo UBND TP HCM, do công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường đã thay đổi.
Tổng vốn dự án tăng cũng có nguyên nhân từ việc bổ sung chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện bổ sung 2 vị trí.
Về phân bổ nguồn vốn cho dự án, TP HCM dự kiến chi 1.737 tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn 2026-2030, dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định dự kiến phân bổ gần 335 tỉ đồng.
Sau khi điều chỉnh, đường Nguyễn Thị Định sẽ được cải tạo tuyến đường giao thông đô thị dài gần 2 km, rộng 30 m.
Về tiến độ dự án, năm 2023, TP HCM sẽ thông qua chủ trương đầu tư.
Dự án sẽ thực hiện khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp được phê duyệt, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thành phần trong năm 2024.
Năm 2025, các cơ quan sẽ tổ chức đấu thầu, khởi công dự án và hoàn thành, đưa vào sử dụng, quyết toán dự án mở rộng, nâng cấp đường Nguyễn Thị Định năm 2026.
Cát Lái là cảng đứng đầu cả nước về sản lượng hàng hóa với hơn 19.000 lượt xe ra vào mỗi ngày.
Các tuyến đường ra vào cảng thường xuyên bị ùn tắc do mật độ xe rất cao, nhất là ôtô tải, container.
Cùng với dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định, TP HCM cũng đã triển khai dự án nút giao Mỹ Thủy (giai đoạn một), mở rộng đường Đồng Văn Cống để giảm ùn tắc cho khu vực này.
Bình luận (1)
TPHCM cần thêm kinh phí được giữ lại để đầu tư nâng cấp hạ tầng