Kêu gọi này được TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nêu ra tại phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, ngày 11-7.
Tại buổi lễ, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình TP HCM, cho biết TP HCM đang được xếp vào 21 địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...
Lãnh đạo Sở Y tế cho hay quy mô dân số tại TP HCM tăng chậm, tính đến cuối năm 2023, quy mô dân số tại TP là hơn 9,4 triệu người.
Hiện dân số tại TP HCM đang già hóa. Để ứng phó, ngành y tế TP đã củng cố và hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và lập hồ sức khỏe dành cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, để tăng chất lượng dân số, ngành y tế đẩy mạnh truyền thông lợi ích khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Trong đó, khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp các cặp đôi chủ động tầm soát, phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, khả năng mang thai và sinh con.
Là một trong 40 cặp đôi được tầm soát, kiểm tra sức khoẻ trước khi kết hôn tại Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, chị Nguyễn Hà Phương Trâm (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết vốn không định khám sức khoẻ tiền hôn nhân vì nghĩ cả 2 còn trẻ, không mắc các bệnh nền. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, hướng dẫn từ các nhân viên dân số của phường nên chị cùng chồng sắp cưới đến thăm khám.
"Sau khi thăm khám được các bác sĩ tư vấn và giải đáp các thắc mắc, chúng tôi hiểu hơn về tầm quan trọng khi khám tiền hôn nhân. Điều này không chỉ chủ động phát hiện vấn đề sức khoẻ sinh sản sớm mà còn có thể phòng ngừa được các bệnh truyền nhiễm khác" - chị Trâm cho biết.
Bác sĩ Lê Khắc Minh Quân, Khoa Chẩn đoán hình ảnh-Bệnh viện Bình Dân, cho biết các cặp đôi đến khám sẽ được xét nghiệm máu, tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan B, HIV, giang mai. Bên cạnh đó, kiểm tra sức khoẻ sinh sản, siêu âm phụ khoa (tử cung, buồng trứng).
Theo TS-BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nam học-Bệnh viện Bình Dân, từ trước đến nay nhiều người có quan điểm "cây độc không trái, gái độc không con" luôn cho rằng nguyên nhân vô sinh đến từ người nữ. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 30% vô sinh nguyên nhân là do nam, 40% do nữ, 20% do cả hai và 10% không rõ nguyên nhân. "Tức là nguyên nhân vô sinh có thể đến từ cả nam và nữ. Do đó, việc tầm soát khả năng sinh sản của nam giới là điều cần thiết chứ không riêng gì nữ giới" - bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Bình luận (0)