Tại cuộc họp giao ban của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM với các phòng GD-ĐT ngày 23-4, nhiều địa phương cho biết để bảo đảm sự ổn định sẽ không thay đổi phân tuyến tuyển sinh đầu cấp dù các khu phố, ấp đang được sắp xếp lại.
Phân tuyến theo khu phố, ấp cũ
Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, cho biết thực hiện Đề án 06 về dữ liệu dân cư quốc gia, địa phương đã triển khai khá thuận lợi vì được sự hỗ trợ của lực lượng công an. Hiện tại, huyện còn một số trường hợp học sinh có quốc tịch nước ngoài gặp khó trong việc xác thực mã định danh.
Theo bà Châu, Bình Chánh đang trong quá trình sắp xếp lại khu phố, ấp. Ban đầu, Phòng GD-ĐT dự định sẽ phân tuyến trong tuyển sinh đầu cấp theo việc sắp xếp lại các ấp mới. Tuy nhiên, việc này thực hiện không kịp theo tiến độ của công tác tuyển sinh.
Bà Châu dẫn chứng xã Bình Chánh trước đây chỉ có 4 ấp, sau khi sắp xếp tăng lên 16 ấp. Do đó, để tránh sự xáo trộn trong tuyển sinh đầu cấp, Phòng GD-ĐT tham mưu cho UBND huyện phân tuyến theo ấp cũ. "Phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận khi triển khai tuyển sinh đầu cấp vào năm tới" - bà Châu nói.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho rằng đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của phụ huynh thời gian qua. Nhiều người băn khoăn liệu việc phân tuyến tuyển sinh đầu cấp sẽ thực hiện ra sao khi TP HCM đang sắp xếp lại khu phố, ấp. Theo ông Thanh, khu phố, ấp đang được sắp xếp lại, việc thay đổi giấy tờ cho người dân sẽ được triển khai trong thời gian tới. Do đó, Phòng GD-ĐT tham mưu cho UBND quận phân tuyến tuyển sinh đầu cấp theo địa chỉ cũ, vì nếu triển khai theo địa chỉ mới sẽ không đồng bộ.
Dựa trên tiêu chí nơi ở của học sinh
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, khẳng định năm học 2024-2025, việc tuyển sinh đầu cấp sẽ dựa theo tiêu chí chính là nơi ở của học sinh. Năm học trước, việc này dựa theo nhiều tiêu chí như: nơi ở, địa chỉ thường trú, chỗ học trước đó của học sinh.
TP Thủ Đức và các quận, huyện đang chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025 để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Năm nay, các địa phương chỉ căn cứ tiêu chí chính là chỗ ở của học sinh và "lý do khác". Ở tiêu chí "lý do khác", địa phương được giao quyền chủ động thực hiện để phù hợp tình hình thực tế. Sở GD-ĐT sẽ có hướng dẫn chung về nguyên tắc, thời gian tuyển sinh, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung; còn lại kế hoạch cụ thể sẽ do quận, huyện triển khai.
Tại cuộc họp nêu trên, việc xây dựng trường lớp để chuẩn bị cho năm học mới cũng được nhiều quận, huyện đề cập. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho hay năm học 2024-2025, quận sẽ có 7 trường mới đi vào hoạt động, trong đó có 5 trường tiểu học, 1 trường mầm non, 1 trường THCS với tổng số phòng học là 204; tổng số học sinh toàn quận Bình Tân dự kiến trong năm học tới là 124.237, tăng 3.455 em. "Sau 10 năm, đây là năm học quận xây được nhiều phòng học nhất. Trong năm học tới, quận tiếp tục đưa vào sử dụng thêm 9 trường học nữa" - ông cho hay.
Tại huyện Nhà Bè, bà Lê Thị Oanh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, cho biết thị trấn Nhà Bè phải thực hiện đô thị thông minh, trong đó có tiêu chí 60% trường học phải đạt chuẩn quốc gia. Thị trấn này hiện có 7 trường nhưng chỉ một trường đạt chuẩn quốc gia. Do đó, trong năm học tới, Nhà Bè phải xây dựng thêm 3 trường nữa. Trong bối cảnh học sinh ngày càng tăng mà trường lớp hạn chế, đây là bài toán nan giải đối với địa phương…
Chỗ học là ưu tiên hàng đầu
Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng việc đi học của học sinh phải được ưu tiên hàng đầu.
"Chúng ta có thể hy sinh việc xây dựng trường chuẩn để có đủ chỗ học cho học sinh. Địa phương phải ưu tiên xây dựng, đầu tư trường lớp. Lãnh đạo các quận, huyện cần dự báo trước tình hình tăng học sinh mỗi năm để tham mưu cho các cơ quan có kế hoạch xây dựng trường lớp phù hợp" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Bình luận (0)