Ngày 9-4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được chủ trì hội thảo khoa học "Tăng trưởng kinh tế TP HCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ" để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp (DN), từ đó tìm ra giải pháp ứng phó với mức thuế đối ứng 46% do Mỹ áp đặt lên hàng hóa Việt Nam.
3 kịch bản có thể xảy ra
Trong phần phát biểu đề dẫn, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS), đã đưa ra 3 kịch bản thuế quan có thể xảy ra. Kịch bản bi quan nhất là mức thuế đối ứng 46% được giữ nguyên. Một kịch bản trung bình với mức thuế khoảng 25% và kịch bản lạc quan khi thuế quan được đàm phán giảm còn 15% hoặc thấp hơn. Ông cũng nhấn mạnh rằng không có kịch bản nào dự kiến mức thuế sẽ về 0%.

Chủ tịch UBND TP HCM trao đổi với doanh nghiệp sau khi kết thúc hội thảo
Ở kịch bản thuế đối ứng giữ nguyên 46%, hệ lụy là thương mại toàn cầu xấu đi, những ngành trọng điểm của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ mất một nửa thị phần tại Mỹ, nhiều DN đóng cửa và TP HCM có thể rơi vào tình trạng "đình trệ xuất khẩu" trong ngắn hạn cho đến khi tìm được hướng đi mới.
Cũng ở kịch bản này, sức cạnh tranh của mặt hàng chủ chốt của TP HCM sẽ giảm so với các đối thủ như: Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%), Thái Lan (37%); ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và gây sức ép lên tỉ giá. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 của TP HCM có thể chỉ còn 5,19% theo kịch bản này.
Kịch bản lạc quan nhất, thuế đối ứng đàm phán xuống dưới 15%, căng thẳng thương mại sẽ sớm tháo gỡ, Mỹ và Việt Nam đạt được thỏa thuận song phương và từ quý II đến quý III/2025, Mỹ sẽ giảm hoặc gỡ bỏ mức thuế đối với hàng Việt Nam. Khi đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 của TP HCM có thể đạt khoảng 7,93%.
Ở kịch bản còn lại, Việt Nam đàm phán một phần và đạt mức thuế suất 25% - tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 của TP HCM tương ứng 6,79%. Việt Nam và Mỹ sẽ có những động thái hoãn ở mức độ nhất định và DN kịp thích nghi một phần.
Ở kịch bản này, tỉ giá, lạm phát tương đối ổn định nhờ dòng vốn FDI vẫn duy trì và DN TP HCM năng động và chủ động mở rộng thị trường mới.
Linh hoạt nhiều giải pháp
Ở góc độ DN, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, cho biết hiện phía đối tác Mỹ vẫn tiếp tục yêu cầu giao hàng và đặt hàng mới vì không có nguồn cung thay thế. Tuy vậy, ông kiến nghị từng ngành hàng cần tìm hiểu mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu, Mỹ có sản xuất hay không, nếu có thì giá bao nhiêu? "Ví dụ, một món đồ chơi cho thú cưng, giá xuất khẩu 1,4 USD nhưng giá trên siêu thị Mỹ là 48 USD thì thuế 46% vẫn có thể xuất khẩu được. Ngoài ra, cần xem đối thủ hàng nhập khẩu mặt hàng đó tại Mỹ phải chịu thuế là bao nhiêu, mới đánh giá chính xác mặt hàng đó còn xuất khẩu qua Mỹ được không" - ông Việt Anh nói.
Ông cũng mong muốn được nghe tiếng nói của các DN FDI, bởi họ thường có giải pháp tốt. Đây là khối giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nếu đơn hàng ít hay họ dịch chuyển nhà máy sẽ gây ra tình trạng thiếu việc, mất việc.
Tương tự, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho biết các đối tác Mỹ vẫn đồng ý tiếp tục mua hàng nhưng tính phương án chia sẻ rủi ro về thuế. Theo đó, cách tính phổ biến là chia 3, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ, mỗi bên chịu một phần.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng theo kinh nghiệm, DN sẽ vượt khó tìm kiếm thị trường mới, đa dạng thị trường. Ở thời điểm hiện tại, DN cần giữ vững thị trường trong nước, giữ chất lượng, khai phá thị trường mới.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin - chuyên về vật liệu xây dựng, cho biết Mỹ là thị trường trọng tâm của DN, chiếm đến 50%, nên áp lực nặng nề. Mấy ngày qua, DN và đối tác tại Mỹ liên tục đàm phán để giữ thị trường theo hướng chia 3 phần thuế sẽ phải đóng cho nhà sản xuất - nhà phân phối và cửa hàng bán lẻ, không chuyển giá cho người tiêu dùng và hy vọng tất cả sẽ qua. Ông Kỳ cho rằng hệ thống trung gian quá nhiều làm đội chi phí nên phải chuyển đổi sang mô hình bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng để tăng khả năng cạnh tranh.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, nhận định so với nhiều ngành khác, ngành thực phẩm vẫn còn tương đối lạc quan. Đây là những mặt hàng khó thay thế nên các nhà nhập khẩu vẫn tiếp tục đặt hàng, dù phải đàm phán để chia sẻ phần thuế đối ứng. Bên cạnh đó, so với các đối thủ gần như Thái Lan (thuế suất 36%) và Indonesia (32%), hàng Việt Nam vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh chúng ta phải học tập triết lý của Bác Hồ là "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tức trong khó khăn, các DN cần bình tĩnh, không quá bi quan, không hốt hoảng. "Kinh nghiệm thấy rằng trong cái khó ló cái khôn" - ông Nguyễn Văn Được nhắn nhủ. Theo Chủ tịch UBND TP HCM, đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, tăng nội lực, tăng tỉ lệ hàng "Made by Vietnam".
Về giải pháp, ông Nguyễn Văn Được cho biết sẽ tổ chức hội nghị với các DN FDI để lắng nghe ý kiến góp ý; tăng cường tuyên truyền để người dân, DN hiểu đúng về thuế đối ứng để không bị hoang mang.
Về nội lực, TP HCM tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các dự án gặp vướng mắc, khơi thông "cục máu đông" - mở ra dư địa phát triển cho TP HCM. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại một cách hiệu quả.
Đặc biệt, TP HCM kích hoạt các nhân tố mới như: đẩy nhanh tiến độ trung tâm tài chính; đào tạo lao động chất lượng cao; tăng cường chiến lược mềm, kết hợp giao lưu văn hóa với kết nối giao thương.
Các chuyên gia, hiệp hội khác cũng đề xuất nhiều giải pháp cân bằng thương mại Việt - Mỹ như: tạo điều kiện cho DN Việt đầu tư tại Mỹ, tăng sử dụng dịch vụ và hàng hóa Mỹ. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam nhập khẩu hàng Mỹ rất nhiều nhưng qua nước thứ 3 nên không được Mỹ tính đến. Do đó, việc hạ thuế nhập khẩu hàng Mỹ về 0% sẽ kích thích việc nhập khẩu trực tiếp nhiều hàng hóa Mỹ.
Bình luận (0)