Ngày 4-12, Hội nghị lần thứ 34 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI (mở rộng) được tổ chức; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.
Thu ngân sách tăng 12%
Hội nghị nhất trí cao kết quả mà TP HCM đã đạt được trong năm 2024. Đó là cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu đề ra trong năm 2024. Đồng thời, hội nghị cũng đề ra nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để TP HCM thực hiện trong năm 2025.
Theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện tại, TP HCM đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu đề ra trong năm 2024. Tăng trưởng GRDP ước cả năm khoảng 7,17%; thu ngân sách trên địa bàn cả năm là hơn 502.000 tỉ đồng (tăng 12% so với năm 2023, đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước).
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá con số này rất có ý nghĩa, là nỗ lực và đóng góp chung của TP HCM. Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, sự đóng góp này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 5, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ vừa qua. TP HCM cũng đạt kết quả khá tích cực trong việc triển khai thực hiện 2 nội dung trọng tâm trong chủ đề năm 2024 là thực hiện chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội. Thành phố đã dành nguồn lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống người dân.
Năm nay, TP HCM tiếp tục đạt nhiều kết quả khá toàn diện trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác dân vận. Nội dung, phương thức lãnh đạo, tác phong, lề lối không ngừng đổi mới. Nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã được triển khai mang lại hiệu quả. Tiếp tục quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đi đôi với giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài. Kịp thời triển khai công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp gắn với kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ và quy hoạch đội ngũ kế cận cho nhiệm kỳ tới. Công tác xây dựng chính quyền gắn với xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp có nhiều tiến bộ; chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, MTTQ nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, TP HCM vẫn còn những hạn chế, yếu kém, vướng mắc, cần ra sức khắc phục. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 7,17% (mục tiêu tăng trưởng từ 7,5% - 8%). Các đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là giải ngân vốn đầu tư công.
Kỳ vọng tăng trưởng GRDP 9%-10%
Đóng góp ý kiến tại tổ thảo luận, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu những ứng dụng (app) nhằm hỗ trợ cho công tác khu phố hiện nay. Theo ông Dũng, điều này là phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và của thành phố, nhất là trong giai đoạn thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Ông Nguyễn Nam Bình, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, thông tin thu ngân sách năm 2024 của TP HCM đã ước đạt 101% dự toán được giao. Thời gian còn lại của năm 2024 (tháng 12), đơn vị này ước tính thu ngân sách vượt 6%-7% số thu nội địa. Thậm chí, nếu các sở, ngành sớm tham mưu để ban hành bảng giá đất ở các dự án, mức thu có thể vượt được từ 9% - 10% dự toán được giao. Ông Bình đánh giá năm 2024 TP HCM có tăng trưởng GRDP tốt, nhất là các ngành dịch vụ bán lẻ, công nghiệp, đặc biệt thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc. Cũng theo ông Bình, đây là một trong những năm hiếm hoi mà Cục Thuế TP HCM hoàn thành số thu ngân sách nội địa vào cuối tháng 11. Điều đó cho thấy dấu hiệu chỉ báo tốt, là điều kiện để TP HCM phục hồi mọi mặt sản xuất - kinh doanh cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn. Từ đó, tin tưởng tăng trưởng GRDP của thành phố đặt ra ngay trong quý I/2025 đạt 9% và các quý sau đạt 9% - 11% là có cơ sở.
Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức cho biết hiện nay trên địa bàn TP HCM, bao gồm cả quận 12, vẫn còn nhiều vị trí đất công chưa được khai thác hiệu quả. Đáng chú ý, một số đơn vị cấp trung ương tại quận 12 được giao đất nhưng không sử dụng, thậm chí có đơn vị cho thuê nhà xưởng hoặc vi phạm quy định về xây dựng, trong khi địa phương lại thiếu quỹ đất để phát triển các công trình công cộng như trường học, công viên.
Những đề xuất của quận 12 nhằm sử dụng các khu đất này thường phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp và không được chấp thuận, dẫn đến lãng phí nghiêm trọng. Do đó, ông Nguyễn Văn Đức kiến nghị TP HCM cần sớm có giải pháp cụ thể hoặc ban hành hướng dẫn rõ ràng, phân cấp phân quyền để địa phương khai thác hiệu quả tài sản công, phục vụ thiết thực cho nhu cầu của người dân.
Thống nhất 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết hội nghị thống nhất 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM đề xuất.
Trong đó, tập trung cao nhất mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về quy hoạch, hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai phục vụ đầu tư phát triển. Xây dựng đề án riêng cho đầu tư công với quyết tâm khắc phục tình trạng như hiện nay. Từ đó, để tạo chuyển biến mới ngay từ quý I/2025. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và kiến tạo động lực tăng trưởng mới. Nỗ lực tối đa hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, trước mắt là hạ tầng giao thông, hạ tầng số và các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, kết nối vùng. Huy động đa dạng hóa nguồn lực cho các dự án chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, cải tạo chung cư cũ, nhà ở ven kênh rạch, xử lý nước thải và rác thải.
Đẩy mạnh liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển. Phát huy vai trò nòng cốt của thành phố trong việc điều phối, thúc đẩy các hoạt động phối hợp chia sẻ vùng, đẩy mạnh liên kết trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối chuỗi cung ứng, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, hợp tác y tế, giáo dục - đào tạo và phát triển thị trường lao động giữa thành phố với các địa phương và vùng lân cận. Tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng chính quyền đô thị gắn với xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện mô hình, khung pháp lý chính quyền đô thị sát với yêu cầu phát triển của thành phố giai đoạn mới.
Quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền tối đa theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", xóa bỏ cơ chế xin - cho; đi đôi với đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong bộ máy hành chính nhà nước. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao đạo đức công vụ trong các cơ quan nhà nước và toàn hệ thống chính trị thành phố.
Tái cơ cấu đội ngũ, hiện đại hóa nền hành chính
Trong khuôn khổ hội nghị, Thành ủy TP HCM triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" tại TP HCM. Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, thành phố sẽ sắp xếp tổ chức bộ máy khối chính quyền gắn với xác định lại chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, xác định những việc sử dụng dịch vụ công, những việc của các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập thực hiện. Đặc biệt là phân cấp ủy quyền sẽ mạnh mẽ hơn. Đồng thời, TP HCM cũng xác định lại công tác phối hợp để quá trình thực thi không bị chồng lấn, chồng chéo, triển khai nhanh. Đi cùng với đó là tái cơ cấu đội ngũ, hiện đại hóa nền hành chính.
Hội nghị thống nhất chọn chủ đề năm 2025 của TP HCM: "Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số; triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của thành phố".
Bình luận (0)