Sáng 19-12, tại "Chương trình gặp gỡ giữa Lãnh đạo TP HCM và Doanh nghiệp Singapore năm 2023" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Singapore tại TP HCM tổ chức, ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP HCM, cho biết các doanh nghiệp (DN) Singapore đầu tư tại TP HCM đang gặp nhiều vướng mắc, trong đó có khó khăn do cơ sở hạ tầng của thành phố chưa đồng bộ.
Theo ông Kho Ngee Seng Roy, việc phát triển hạ tầng bao gồm đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị, cảng biển ảnh hưởng rất lớn đến giao nhận hàng hóa, đi lại và khả năng thu hút vốn của TP HCM.
Phản hồi các ý kiến của DN Singapore, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, thông tin thành phố đang kết hợp với các cơ quan triển khai, phát triển các dự án hạ tầng giao thông, không chỉ tại TP HCM mà còn kết nối với những địa phương khác.
Cụ thể, thành phố đang triển khai các tuyến đường vành đai, cao tốc kết nối liên vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Mộc Bài; mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; các tuyến đường sắt đô thị TP HCM, tuyến đường sắt kết nối TP HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai...
Ngoài ra, thành phố đang giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường kết nối cảng Cát Lái, tập trung đầu tư các dự án xây dựng, nâng cấp mở rộng các tuyến đường, nút giao thông như: Nút giao Mỹ Thủy, đường Đồng Văn Cống, đường Vành Đai 2.
Liên quan đến việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị, ông Phan Văn Mãi cho hay có quy hoạch xây dựng có 220km đường sắt đô thị nhưng hiện tại mới hoàn thành khoảng 20km.
Ngoài ra, TP HCM cũng rất mong muốn thông qua DN Singapore, Tổng lãnh sự có thể thúc đẩy mở rộng quan hệ chính quyền với các DN và Chính phủ Singapore; tư vấn để giúp thành phố phát triển thêm nhiều cơ sở, môi trường tốt cho các DN sản xuất kinh doanh nói chung.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM, nhấn mạnh rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng được thành phố thực hiện hằng năm để tạo điều kiện phát triển các dự án đầu tư mang tầm chiến lược và phục vụ người dân đi lại.
Theo ông Hưng, năm 2022, TP HCM đã tiến hành bảo trì 1.500km đường, 650 cây cầu, 18 công trình hầm đường bộ, 883 camera, 1.200 chốt đèn tín hiệu, giao thông, 42 dự án quy mô nhỏ và vừa để đáp ứng được nhu cầu thường xuyên, điều này thể hiện sự quyết liệt trong việc quản lý.
"Chúng tôi sẽ kiểm tra những khu vực gây ra tắc nghẽn và sẽ cải thiện, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Trường Thọ tại TP HCM. Một số giờ cao điểm ùn tắc vẫn diễn do tại TP HCM gia tăng dân số mạnh và phương tiện giao thông rất lớn" - ông Hưng cho biết.
Bình luận (0)