Đây là 6 công trình được UBND huyện Hóc Môn thực hiện từ năm 2023 đến nay với tổng kinh phí đầu tư gần 200 tỉ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của huyện.
6 công trình gồm: Sân vận động Thới Tứ, diện tích 1.600m2, quy mô 3 tầng, đảm bảo cho tập luyện và thi đấu cơ sở. Kinh phi 59,1 tỉ đồng.
Công trình xây dựng trường tiểu học Lê Văn Phiên, tổng diện tích sàn 4.300m2, gồm 3 tầng, kinh phí 57 tỉ đồng; Nâng cấp, sửa chữa đường Thới Tam Thôn 6, chiều dài tuyến 1.093m (điểm đầu giao với đường Phạm Thị Giây, điểm cuối giao với đường Nguyễn Ảnh Thủ), kinh phí 26,4 tỉ đồng.
Trường tiểu học Lê Văn Phiên chuẩn bị đưa vào sử dụng năm học mới này
Công trình xây dựng hệ thống thoát nước đường Tân Xuân – Trung Chánh 1 (từ đường Tô Ký đến đường Trung Mỹ Tân Xuân), chiều dài 879m, chiều rộng 7m, kinh phí 22,4 tỉ đồng.
Công trình xây dựng hệ thống thoát nước đường Đồng Tâm, chiều dài tuyến 1.290m, điểm đầu giáp đường Quốc lộ 22, điểm cuối giáp đường Nguyễn Ảnh Thủ, kinh phí 22 tỉ đồng.
Công trình giảm ngập, chỉnh trang khu vực trung tâm huyện Hóc Môn, gồm xây dựng cống ngăn triều và trạm bơm hút nước tại rạch Hóc Môn, giảm ngập cho khu vực rộng 59ha, kinh phí 12,6 tỉ đồng.
Trong đó, 4 công trình đưa vào sử dụng từ cuối năm 2023 gồm: Nâng cấp đường Thới Tam Thôn 6; Xây dựng hệ thống thoát nước đường Tân Xuân – Trung Chánh 1 và đường Đồng Tâm; Giảm ngập chỉnh trang khu trung tâm huyện.
Riêng công trình xây dựng trường tiểu học Lê Văn Phiên sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 8 này, chào đón năm học mới. Công trình sân vận động Thới Tứ dự kiến nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng tháng 12-2024.
Ông Dương Hồng Thắng – Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết việc xây dựng và đưa vào sử dụng 6 công trình dân sinh gồm trường học, sân vận động, giảm ngập khu vực trung tâm…đã góp phần nâng cao chất lượng sống, đáp ứng nhu cầu học hành, vui chơi giải trí của người dân trên địa bàn huyện.
Theo ông Thắng, việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương dư của huyện để đầu tư cơ sở hạ tầng giúp tận dụng tối đa các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện nhằm đạt mục tiêu thực hiện Đề án đầu tư – xây dựng huyện Hóc Môn thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM giai đoạn 2021-2030.
Trước đó, tháng 6-2022, UBND huyện Hóc Môn kiến nghị UBND TP chấp thuận cho phép huyện được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội với số tiền cải cách tiền lương dư đến năm 2022 khoảng 200 tỉ đồng.
Tháng 11-2022, HĐND TP HCM đã có nghị quyết cho phép chủ trương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của huyện này để đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện.
Bình luận (0)