Trong báo cáo mới đây gửi HĐND TP Đà Nẵng về tình hình thực hiện các dự án lớn, UBND TP Đà Nẵng đã nêu tiến độ công việc đối với dự án hầm vượt sông Hàn.
Phù hợp xu hướng đô thị nén
Trước đó, năm 2016, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã nghe báo cáo phương án làm hầm với tổng chiều dài 1.315 m, quy mô 6 làn xe cơ giới của Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Lúc ấy, dự án vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, còn hiện tại, dự án nằm trong quy hoạch chung TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Công trình dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2031-2045 này được tính toán kết nối từ khu vực đường Đống Đa - Trần Phú (quận Hải Châu) sang đường Vân Đồn - Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà).
Trong báo cáo, UBND TP Đà Nẵng cho hay đã chỉ đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng đề xuất bố trí vốn năm 2024 để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư làm cơ sở triển khai dự án. Sở này cũng được giao xây dựng kế hoạch liên quan thủ tục trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Sở GTVT TP Đà Nẵng đã chủ động làm việc với các chuyên gia để nghiên cứu phương án cũng như rà soát, phối hợp cập nhật vào quy hoạch phân khu liên quan bảo đảm tính thống nhất.
Trên cơ sở đó, sở này xây dựng nhiệm vụ và phương án khảo sát phục vụ công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế để lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tiến tới hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8-2025.
UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị HĐND thành phố thống nhất chủ trương bố trí vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án này trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn 2024 làm cơ sở triển khai những bước tiếp theo.
Ông Nguyễn Cửu Loan, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho rằng xu hướng hiện nay ở nhiều nơi là xây dựng các đô thị nén nên ưu tiên các công trình ngầm thay vì công trình nổi là dễ hiểu. Trong tương tai, TP Đà Nẵng có khoảng 2-3 triệu dân, gấp đôi so với hiện tại và việc xây dựng công trình giao thông ngầm qua sông là cần thiết. Hơn nữa, thành phố sẽ phát triển nhiều khu đô thị kinh tế trong đó có khu thương mại tự do nên rất cần quỹ đất.
Theo ông Loan, hiện hạ tầng ở bờ Tây sông Hàn đã hình thành rõ rệt và việc xây hầm phù hợp theo xu hướng đô thị nén, giữ được yếu tố hài hòa về không gian. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng đề xuất nghiên cứu kỹ về dự án, giải quyết tốt các yếu tố xung đột và tính toán ưu thế phát triển kinh tế biển.
Kỹ sư Trần Dân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng, nhìn nhận làm hầm vượt sông tốt cho tương lai. "Giống như TP HCM có hầm sông Sài Gòn. Có hầm thì mặt sông thoáng hơn, tàu bè qua lại dễ hơn" - ông Dân nói.
Động lực phát triển kinh tế, xã hội
Tại TP HCM, từ năm 2011, hầm sông Sài Gòn nối quận 1 và quận 2 (TP Thủ Đức hiện nay) đi vào hoạt động. Công trình giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ bờ đông sang tây sông Sài Gòn, rút ngắn quãng đường từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây, miền Đông này được đánh giá góp phần rất đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội trong hơn 10 năm qua.
Một công trình hầm hứa hẹn mang lại nhiều giá trị nữa đang được cơ quan chức năng tính đến.
Theo đó, Sở GTVT TP HCM vừa đề xuất UBND thành phố đưa vào kế hoạch ưu tiên đầu tư dự án xây dựng hầm chui đường Tôn Đức Thắng, quận 1, trong giai đoạn từ nay đến 2030. Hầm dài hơn 1 km chạy từ cầu Khánh Hội đến cầu Ba Son, rộng 20,5 m, đáp ứng 4 làn xe lưu thông hai chiều với tổng mức đầu tư khoảng 2.100 tỉ đồng bằng ngân sách, triển khai trong giai đoạn 2024-2030.
Theo Sở GTVT, việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng đã được đưa vào đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu TP HCM 930 ha. Tại đồ án này, TP HCM sẽ mở rộng không gian đô thị về phía sông Sài Gòn, trong đó tổ chức các không gian công cộng liên hoàn dọc bờ Tây của sông. Trên đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Hàm Nghi đến công trường Mê Linh) dành cho không gian đi bộ và xe điện, riêng giao thông cho xe cơ giới xuống đường ngầm bên dưới.
"Sau khi ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng, cùng với cầu đi bộ qua sông Sài Gòn dự kiến khởi công vào năm 2025, sẽ hình thành một hệ thống không gian công cộng liên tục hai bên bờ sông. Nơi đây sẽ là không gian hoạt động công cộng chính của người dân TP HCM" - đại diện Sở GTVT thông tin.
Đường Tôn Đức Thắng nằm ở trung tâm quận 1, dài 2 km, điểm đầu giao đường Lê Duẩn, đi qua công viên bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn đến cầu Khánh Hội. Trục đường này kết nối trực tiếp phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên bến Bạch Đằng và công trường Mê Linh thu hút rất đông khách tham quan, du lịch khi đến TP HCM.
Theo ông Huỳnh Thức (65 tuổi, sống tại đây), nếu công trình ngầm thành hiện thực, khu vực bờ sông sẽ hình thành trục không gian công cộng hấp dẫn. "Nơi đây không chỉ thu hút người dân đến vui chơi mà còn diễn ra những lễ hội lớn, bắn pháo hoa dịp lễ, Tết… rất tốt cho du lịch nói riêng, thương hiệu thành phố nói chung" - ông Thức đánh giá.
Xây hầm qua sân bay
Sở GTVT TP Đà Nẵng đang phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với dự án hầm qua sân bay Đà Nẵng. Dự án này cũng nằm trong quy hoạch chung của thành phố được Thủ tướng phê duyệt. Theo dự kiến trong tháng 9, Sở GTVT TP Đà Nẵng hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quý III/2025 hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án này.
Dự án hầm qua sân bay có điểm đầu ở đường vành đai phía Tây 2 và điểm cuối tại đường Duy Tân, phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2021-2030.
Bình luận (0)