Tối 18-1, rất đông người dân đến Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP HCM) để cùng trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú tại tại sự kiện "Lễ hội Tết Việt 2024" do Sở Du lịch TP HCM và Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đồng tổ chức.
Sự kiện này mở cửa tự do và kéo dài đến ngày 21-1.
Sự kiện được trang trí rất lộng lẫy nhiều loại hoa Tết như: mai, đào, hướng dương, cúc, dừa cạn,… tạo ra nhiều không gian "check-in" cho người đến lễ hội.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết Lễ hội Tết Việt Xuân Giáp Thìn với chủ đề "Tết Việt, Tết cổ truyền dân tộc - Tôn vinh truyền thống, kiến tạo tương lai" có 5 nhóm hoạt động chính "xem Tết - chơi Tết - du Tết - ăn Tết - chợ Tết".
Đặc biệt là các chương trình tái hiện hoạt động truyền thống ngày Tết, giúp người dân và du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa Tết 3 miền.
Hoạt động liên kết sản phẩm các vùng miền phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân và các hoạt động chung tay chia sẻ yêu thương, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn hứa hẹn sẽ mang đến ý nghĩa trọn vẹn cho lễ hội. Sự kiện vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm của người dân và du khách, vừa kích cầu du lịch và tiêu dùng, vừa chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.
"Ý nghĩa này sẽ là điểm sáng trong hành trình xây dựng Lễ hội Tết Việt trở thành sự kiện du lịch - văn hóa thường niên của thành phố, xây dựng TP HCM trở thành điểm đến sống động - hấp dẫn – tràn đầy hứng khởi, góp phần định vị thương hiệu du lịch TP HCM"- ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.
Gian hàng Bánh chưng đất Tổ của HTX Nông Thương Đất Tổ (tỉnh Phú Thọ) thu hút rất đông người đến xem gói bánh chưng, nấu bánh chưng và thưởng thức bánh.
Chị Khuê Anh, đại diện gian hàng, cho biết toàn bộ số bánh chưng gói buổi sáng với khoảng 100 chiếc bánh đã được bán hết với giá 100.000 đồng/bánh 1 kg. Đây là giá ưu đãi tại lễ hội, rẻ hơn 20.000 đồng/bánh so với bình thường.
Tại đây cũng có nhiều người đặt bánh để chuẩn bị cho ngày Tết với giá rẻ hơn cách đặt thông thường 10.000 đồng/chiếc.
Nghệ nhân tò he Lê Xuân Tùng cho biết rất vui khi gian hàng to he được nhiều người dân yêu thích, đặc biệt là trẻ em đến xem. Tại đây, tò he tùy theo độ khó và kích thước mà có giá từ 20.000 – 100.000 đồng/sản phẩm.
Tại không gian "ăn Tết", có nhiều khu vực bánh dân gian, các đặc sản vùng miền thu hút người dân đến thưởng thức.
Tại khu "chợ Tết", các đơn vị chủ yếu mang đến các sản phẩm phục vụ Tết như: bánh Tét, củ kiệu, lạp xưởng, hạt các loại,… và các phần quà Tết.
Bình luận (0)