Ngày 16-10, UBND TP HCM đã có báo cáo tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Báo cáo gửi Thủ tướng, các phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; phục vụ Tổ Công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Mới được hơn 21%
Năm 2024, TP HCM được giao hơn 79.200 tỉ đồng vốn đầu tư công, trong đó ngân sách địa phương hơn 75.570 tỉ đồng, ngân sách trung ương hơn 3.680 tỉ đồng.
Theo số liệu rà soát sơ bộ của Kho bạc Nhà nước TP HCM, đến hết ngày 11-10, tổng số vốn thành phố đã giải ngân là hơn 16.787 tỉ đồng, đạt 21,2%. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân là hơn 1.154 tỉ đồng, đạt 31,3% tổng kế hoạch vốn giao; ngân sách địa phương giải ngân là hơn 15.632 tỉ đồng, đạt 20,7% tổng kế hoạch vốn giao.
UBND TP HCM cho biết việc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công trong 9 tháng đầu năm chưa đạt như kế hoạch đã đề ra. Các cấp chính quyền thành phố đã đề ra những giải pháp, kế hoạch thực hiện cụ thể và đang tiếp tục bám sát để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giải ngân.
5 nhóm nguyên nhân chính
UBND TP HCM nêu 5 nhóm nguyên nhân chính:
Thứ nhất là đặc thù triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố.
Khoảng trên 49% số vốn đầu tư công trung hạn của thành phố mới đủ cơ sở để triển khai thực hiện từ tháng 9-2023 thay vì được triển khai ngay đầu kỳ như các địa phương khác. Điều này dẫn tới việc chuẩn bị đầu tư cho các dự án sử dụng nguồn vốn này bị chậm hơn so với các dự án sử dụng nguồn vốn được giao từ đầu kỳ trung hạn.
Trong tổng số hơn 249.952 tỉ đồng vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, có 142.557 tỉ đồng được Thủ tướng giao từ đầu kỳ và hơn 107.395 tỉ đồng được HĐND TP HCM bổ sung tăng thêm từ cuối năm 2023.
Đối với các dự án thuộc danh mục các dự án được giao từ đầu kỳ, thành phố đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và đang giải ngân đúng theo tiến độ. Còn các dự án thuộc danh mục các dự án được giao vốn bổ sung từ cuối năm 2023 thì giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025, thành phố mới có thể đẩy mạnh được việc giải ngân.
Trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi liên tục có những chỉ đạo mạnh mẽ về giải ngân vốn đầu tư công.
Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định sẽ xử lý những cá nhân không làm việc phải làm. Đồng thời, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời lên Chủ tịch UBND TP HCM, Bí thư Thành ủy TP HCM "bất kể ngày đêm".
"Tôi sẽ như ChatGPT, nửa đêm muốn báo cáo cũng được. Chúng ta quyết tâm đạt cho được nhiệm vụ này" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Thứ 2 là thay đổi thời gian hiệu lực của Luật Đất đai 2024.
Trong năm 2024, tổng số vốn sử dụng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của thành phố khoảng 33.000 tỉ đồng, chiếm 38% tổng vốn đầu tư công. Theo kế hoạch từ đầu năm, thành phố dự kiến hoàn tất thủ tục và giải ngân kế hoạch vốn trong quý III.
Tuy nhiên, khi Luật Đất đai năm 2024 chuyển thời điểm có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 thành ngày 1-8-2024, phần lớn số vốn bố trí năm 2024 không thể giải ngân theo tiến độ. Các dự án phải điều chỉnh lại đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng để bảo đảm tránh khiếu kiện, khiếu nại và tuân thủ quy định mới.
Do đó, đến nay, TP HCM mới giải ngân được 3.000 tỉ đồng trên tổng số 33.000 tỉ đồng vốn đầu tư công phải giải ngân.
Thứ 3 là liên quan phối hợp giải quyết các thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan trung ương.
Trong năm 2024, thành phố dự kiến giải ngân vốn một số dự án có thực hiện thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương với số vốn dự kiến 10.517 tỉ đồng, tỉ lệ 13,3% tổng vốn.
Cụ thể, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có kế hoạch giải ngân 6.800 tỉ đồng. Dù Trung ương và TP HCM nỗ lực giải quyết nhưng đến nay, các vướng mắc về vốn vẫn chưa được tháo gỡ nên chưa thể giải ngân trong năm 2024.
Bên cạnh đó là dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên có kế hoạch giải ngân là 3.717 tỉ đồng. Dự án đã được phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện và thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu đạt trên 87% tổng vốn đã giao.
Thứ 4 là vướng mắc liên quan điều chỉnh quy hoạch.
TP HCM phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/2000 (số vốn dự kiến giải ngân 4 tháng cuối năm là 4.008 tỉ đồng) đối với 57 dự án đang chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Dự kiến chỉ giải ngân được chi phí chuẩn bị đầu tư; khó có khả năng khởi công dự án và kịp giải ngân trong năm 2024.
Thứ 5 là về quá trình thực hiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới.
Các dự án khởi công mới (không vướng điều chỉnh quy hoạch 1/2000) được thành phố dự kiến giải ngân khoảng 8.925 tỉ đồng trong năm 2024. Tuy trong các tháng đầu năm còn chậm nhưng đến thời điểm hiện nay, các thủ tục đã được tháo gỡ và có thể đẩy nhanh thủ tục ở các bước tiếp theo.
Nhận diện các tồn tại trên, TP HCM đã rà soát và điều chỉnh cập nhật lại dự kiến tỉ lệ giải ngân trong các tháng còn lại và phấn đấu giải ngân tháng 10 từ 38,4% trở lên; tháng 11 là 45,1% trở lên; tháng 12 từ 85,9% trở lên. Đến hết ngày 31-1-2025 từ 94,6% trở lên.
UBND TP HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở chuyên ngành và các địa phương tập trung xử lý các vướng mắc, tồn tại nêu trên trong phạm vi thẩm quyền của thành phố để thúc đẩy việc giải ngân các tháng còn lại của năm 2024.
Nhiều kiến nghị tháo gỡ
Để hỗ trợ thúc đẩy giải ngân, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Đầu tư công năm 2024, trong đó quan tâm, xem xét các ý kiến góp ý của thành phố tại Công văn 4144/2024, Công văn 13476/2024 và các nội dung tại phiếu ý kiến theo Công điện 106/2024 của Thủ tướng.
Ngoài ra, tại Dự án thành phần 1: xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP HCM (bao gồm cầu kênh Thầy Thuốc), kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục liên quan để bắt đầu cung cấp cát, bảo đảm nguồn cung cho dự án theo tiến độ đã cam kết với Thủ tướng.
Với Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), UBND TP HCM đã có Báo cáo 271/2024 trình Thủ tướng đề xuất phương án tháo gỡ cho dự án, kiến nghị Thủ tướng sớm có ý kiến chỉ đạo.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để tiếp tục triển khai dự án.
Bình luận (0)