Chúng tôi đến Cơ sở bảo trợ xã hội Hoa Hồng (xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) vào giờ tan trường. Tiếng cười nói của các em tràn ngập từ sân chơi đến gian bếp. Từng em thay quần áo, vệ sinh sạch sẽ rồi cùng dọn bữa cơm.
Được ăn ngon, được học, được vui chơi
Không cần ai nhắc nhở, các em chia nhau dọn cơm, lấy ghế, lấy đũa, chén rồi quay quần bên mâm cơm với món canh bí đỏ, thịt gà rim và củ sắn xào thịt băm.
Trước khi ăn, các em lễ phép mời các cô, bạn bè và chúc mọi người ngon miệng.
Vui vẻ thưởng thức bữa cơm trưa, bé V.T.B (9 tuổi) liên tục gật gù khen: "Hôm nay các dì chiên gà ngon quá". Thấy B. thèm thuồng, một bảo mẫu lấy thêm miếng gà cho bé. Bữa cơm được các em thưởng thức trọn vẹn trong niềm vui. Xong bữa, từng em mang chén đũa của mình ra phía sau tự rửa và úp lên ngăn phơi gọn gàng.
Vừa rửa chén, B. vừa khoe: "Ở đây mấy dì nấu cơm ngon lắm, luôn đổi món nên tụi con không ngán. Như sáng nay tụi con được ăn cơm với chả chiên, trưa ăn gà rim... Đi học về, mấy dì thường làm nước cho uống, không thì có trái cây, sữa…".
Đứng gần B., bé T.M.T.Đ (10 tuổi) cười tươi kể: "Không chỉ ăn ngon, tụi con còn được các dì dạy học, dạy đánh đàn, dẫn đi siêu thị, mua quần áo, giày dép... Nơi đây là gia đình của con".
Các bé nói không sai, phòng ăn không chỉ là nơi các con được ăn no, ăn ngon mà còn là nơi kết nối tình cảm giữa các bé, các cô như người thân trong gia đình.
Bước vào gian bếp đang đỏ lửa, chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Thùy Trang, người đứng bếp. Theo cô Trang, thực đơn cho các con được các cô lên mỗi tuần, đa dạng, bảo đảm dinh dưỡng với các món canh, xào - luộc và món mặn.
Đến khu chăm sóc dành cho trẻ sơ sinh với 4 bé từ 1 tháng tuổi đến 1,5 tuổi, chúng tôi bất ngờ vì phòng sạch sẽ, tinh tươm và ấm áp .
Đưa tay bồng bé T. (hơn 1 tuổi), cô Nguyễn Ngọc Yến, Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội Hoa Hồng, cho biết bé được nhặt trước một ban nhân dân ấp, rồi đưa về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi, sau đó làm hồ sơ chuyển về cơ sở này.
"Mới nhận về, bé quấy lắm, hay khóc đêm, ăn uống cũng khó nhưng dần các cô hiểu ý nên chăm dễ hơn. Nay bé vui vẻ, quý các cô lắm" - cô Yến chia sẻ.
Có 4 bé nhưng đến 3 cô bảo mẫu chăm sóc nên bé nào cũng bụ bẫm, trắng hồng, lanh lợi.
Không để con thiệt thòi lần nữa
Phụ trách Cơ sở bảo trợ xã hội Hoa Hồng hơn 1 năm nay, cô Nguyễn Ngọc Yến, tâm sự lúc đầu về đây, cô gặp không ít khó khăn vì phải làm việc liên tục từ sáng sớm đến tối mịt. Vất vả có thể tập quen dần nhưng khó nhất là tiếp cận với các con. Vì không có cha mẹ, tâm lý các con thất thường, nhạy cảm, hiếu động, ở tuổi dậy thì thường nổi loạn.
"Không ít lần tôi rơi nước mắt vì chưa thể hiểu hết các con. Có lần đang ngồi trong phòng thì một bé trai (học lớp 7) chạy vào xin tôi tờ giấy và cây viết. Tôi hỏi: "Con viết gì?". Bé trả lời: "Con biết tên và quê mẹ con rồi. Lớn lên con sẽ đi tìm". Tôi xúc động vì đứa trẻ nào cũng khao khát có vòng tay cha mẹ. Các con không may mắn khi bị cha mẹ bỏ rơi, nếu mình không đủ tình thương chẳng khác nào lại bỏ rơi các con lần nữa. Do đó, tôi và các cô ở đây cũng luôn nhắc nhở nhau yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ các con như con cháu của mình" - cô Yến xúc động nói.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh cơ sở: nhà ăn, nhà sơ chế được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ; phòng ngủ tươm tất, riêng biệt khu dành cho trẻ sơ sinh, trẻ trai và trẻ gái; phòng học đàn, học chữ; sân chơi thể thao ngoài trời… Tất cả đều phục vụ nhu cầu học hành, vui chơi cho các con.
Chỉ tay vào thời khóa biểu 1 ngày, cô Yến liệt kê: sáng từ 4 giờ 30, các cô chuẩn bị bữa sáng cho các con đi học với các món đa dạng từ hủ tiếu, phở, cháo, xôi đến cơm sườn. 5 giờ 30 phút, đánh thức các con vệ sinh và cùng các cô quét dọn, lau bàn ghế, ăn sáng. Các con học cấp 1 sẽ được các cô chở đến trường, riêng cấp 2 và 3 tự chạy xe đạp đi học vì trường gần cơ sở.
Đến 10 giờ 30 phút, các cô sẽ đón các con về, đầu giờ chiều lại đi học và đến 16 giờ đón về. Sau giờ học ở trường, các con sẽ được rèn thêm toán và tiếng Anh do các cô có chuyên môn ở cơ sở phụ trách. Điều đặc biệt ở cơ sở là các con không sử dụng điện thoại để tránh lơ đễnh chuyện học hành. Những trẻ lớn sẽ dùng chung 1 chiếc điện thoại để nhận bài thầy cô giao về làm.
Nhờ rèn luyện tính kỷ luật, nền nếp nên các con đều tự giác, có khả năng tự phục vụ, tự học.
Chia sẻ thành tích các con trong năm học vừa qua, cô Yến thông tin hơn 50% là học sinh xuất sắc và giỏi, còn lại là khá. Nhiều bé không chỉ thành tích học tập tốt mà còn giỏi các môn năng khiếu.
Mùa trung thu đã tới, góc sân chính diện, nào lồng đèn, ông lân được các cô trò trang trí. Chỉ tay vào chiếc lồng đèn hình chú bướm, bé M. (8 tuổi) cười tít mắt: "Tối nào ăn cơm xong, tụi con cũng tắt đèn ra đây chơi. Tết Trung thu này, đêm rước đèn, con sẽ ước sớm tìm được mẹ. Nghe nói, mẹ của con quê ở miền Tây".
Nhìn đôi mắt trong trẻo của bé, tôi thấu hiểu phần nào những trăn trở của các cô ở đây khi nhiều lần về địa phương tìm kiếm thông tin cha mẹ để làm giấy khai sinh cho các con. Trong số 35 trẻ, chỉ có 3 bé có mẹ, mỗi năm đến thăm con 1 lần, còn lại biệt vô âm tín.
Trẻ đều đi học trường công lập
Theo bà Đỗ Thị Thanh Thúy, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi, Cơ sở Bảo trợ xã hội Hoa Hồng (Tỉnh lộ 8, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) có quyết định thành lập của UBND TP HCM năm 2016. Cơ sở có nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi bình thường từ sơ sinh đến 16 tuổi.
Cơ sở Bảo trợ xã hội Hoa Hồng hiện có 35 trẻ, trong đó có 4 trẻ sơ sinh, 20 bé học cấp 2 và 3, còn lại cấp 1 và nhà trẻ. Trẻ ở đây từ 3 tuổi được đi học mầm non công lập và học các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Từ thời điểm thành lập đến nay, địa phương thường thăm nom, kiểm tra hoạt động của cơ sở và chưa ghi nhận thông tin tiêu cực nào.
Đam mê nhiếp ảnh, thương trẻ vùng cao
Là người đam mê với các hoạt động thiện nguyện và nhiếp ảnh, anh Lê Quang Long (30 tuổi, quê Quảng Nam) đã đi nhiều nơi, trải nghiệm cuộc sống và gặp gỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
"Đã gọi là đam mê thì nó có một sức mạnh rất lớn. Nó ám ảnh và thúc đẩy mình từng ngày. Lúc còn ngồi trên giảng đường đại học, mình cũng không nghĩ nhiều, chỉ đơn giản là thấy bản thân còn trẻ, muốn dấn thân, muốn thử sức. Rồi khi lắng nghe nhiều câu chuyện, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, tôi thấy mình phải làm điều gì đó mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Tôi chọn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em ở vùng cao" - anh Long chia sẻ.
Tháng 6-2020, nhóm thiện nguyện "Những bước chân xanh" ra đời. Trong suốt thời gian hoạt động, nhóm nỗ lực hết mình với công việc. Có thể kể đó là việc cứu trợ vùng rốn lũ miền Trung tháng 11-2020; chiến dịch "Mùa đông cho em" ở các vùng Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang; chuyến xuyên Việt mang "Tết yêu thương" đến các tỉnh vùng cao... Đến năm 2021, anh Long cùng các thành viên trong nhóm xây dựng dự án bếp ăn "Bếp Hoàng Cầm" nhằm đem đến những bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ vùng cao.
Hiện tại, anh Long và nhóm thiện nguyện vẫn đang duy trì dự án "Con nuôi", hỗ trợ chi phí cần thiết cho một năm học của các em học sinh vùng cao thông qua việc liên lạc với thầy cô phụ trách từng điểm trường.
"Cuộc sống ý nghĩa hay không thì phải dấn thân, phải sống hết mình mới biết được" - Quang Long kết luận.
Khắc Hiếu - Vĩnh Dỳ
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-9
Bình luận (0)