"Sau ba nhiệm kỳ, từ khóa 11 đến nay, số tổng cục tăng gấp đôi, lên 42 đơn vị. Nghĩa là bộ máy có 42 tổng cục trưởng, khoảng 200 tổng cục phó, chưa kể các đơn vị bên trong tổng cục cũng phát sinh theo.
Ở địa phương có tình trạng một sở có đến 44/46 lãnh đạo. Ở cấp bộ cũng thế, có cục, vụ toàn làm lãnh đạo hết, chẳng có ai là nhân viên cả. Thế nên mới có tranh biếm hoạ người dân cầm cặp hồ sơ đi vào làm việc nhưng đến ngơ ngác vì không biết tìm người nào làm việc vì toàn thứ trưởng, tổng cục trưởng, cục trưởng, cục phó, trưởng phòng, phó phòng. Toàn thấy lãnh đạo chứ không tìm ra ông chuyên viên nào.
… Nay Nghị quyết quy định một cơ quan tổ chức có thể làm nhiều việc nhưng 1 việc chỉ có 1 cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Đây là quan điểm mới và dứt khoát phải như thế.
Bộ ngành nào muốn tăng thêm một vụ, cục hoặc tương đương trở lên thì phải xin ý kiến Bộ Chính trị. Như vậy là không thể tự tiện phát sinh bộ máy và biên chế.
Với các cơ quan chuyên môn của các ngành cũng phải sắp xếp lại cho phù hợp. Một số nhiệm vụ có thể chuyển giao phân cấp từ trung ương cho cấp tỉnh, cấp tỉnh cho cấp huyện để giảm bớt đầu mối
Với tỉnh có quy mô dân số dưới 800.000 dân thì có thể tiến hành sáp nhập. Khi sáp nhập sẽ giảm bộ máy hành chính, tiết kiệm trụ sở công, tài sản công và mỗi năm có thể giảm chi thường xuyên lên đến hàng nghìn tỉ đồng
Một xã có 21- 23 công chức cộng với những người hoạt động bán chuyên trách rất đông. Nếu nhập 100 xã thôi thì gọn lại được bao nhiêu biên chế, giảm được bao nhiêu chi thường xuyên".
(Ông NGUYỄN ĐỨC HÀ, thành viên Tổ biên tập Dự thảo Nghị quyết Trung ương 6 về tổ chức bộ máy (Ban Tổ chức Trung ương), cho biết trên Báo Tiền Phong số ra ngày 4-11).
Bình luận (0)