Nhà văn Đỗ Bích Thúy
"Bước chân khách du lịch đi đến đâu thì cảnh quan, môi trường, văn hoá bản địa nơi đó có nguy cơ hao hụt, mất mát đến đấy. Tất nhiên, lỗi không phải hoàn toàn do khách du lịch. Nơi nào đẹp thì họ đến, thế thôi. Lỗi của họ có thể nằm ở thói xấu xả rác tự nhiên, dẫm đạp thoải mái lên vài thảm hoa... Nhưng họ không đập các căn nhà truyền thống đi để xây những ngôi nhà mặt đường cho người dân địa phương….
Du lịch ảnh hưởng nghiêm trọng là ở chỗ, người dân địa phương trong một thời gian rất ngắn phải đối mặt với một làn gió mới, mà nó mạnh kinh khủng, nó nhanh chóng mặt, họ không kịp nghĩ xem là mình cần phải giữ cái gì, bỏ cái gì, thay thế cái gì. Hàng nghìn cơ hội mở ra để họ có thể thay đổi đời sống vật chất, bảo họ phải cân nhắc, tính toán, nghĩ tới cái lớn hơn như là văn hoá của một vùng đất thì khó lắm.
Trước đấy, cách Panorama một đoạn, đã có một địa điểm ngắm cảnh sông Nho Quế, vực Tu Sản khá đẹp, được chính quyền huyện Mèo Vạc xây dựng. Nhưng khi Nho Quế có thuỷ điện, nước dâng lên, thì địa điểm ngắm vực Tu Sản ở Panorama bây giờ mới là đẹp nhất. Và thế là một ngày mọc thêm Panorama. Trong khi, nếu chính quyền địa phương quan tâm hơn đến thiên nhiên, thì họ đã không cho phép xây thêm một điểm dừng chân to đùng như Panorama nữa. Mà nếu muốn an toàn cho khách du lịch thì chỉ cần xây một hàng rào chắn tại vị trí đó, san phẳng, mở rộng một chút ở khúc cua, để người ta có thể ngắm cảnh, chụp ảnh. Chấm hết. Tuyệt đối không cà phê, không khách sạn. Ai có nhu cầu ăn nghỉ thì quay về thị trấn mà nghỉ…
Hà Giang làm du lịch muộn, sau rất nhiều địa phương khác, lãnh đạo tỉnh hoàn toàn có thể học những kinh nghiệm tốt nhất từ trong nước, từ nước ngoài, mời các chuyên gia hàng đầu cho ý kiến một cách toàn diện, tổng thể, để có thể đưa ra một chiến lược phát triển du lịch lâu dài, bền vững".
(Nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ trên báo Dân Việt ra ngày 6-10).
Bình luận (0)