Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hai bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và các đồng phạm.
"Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật, thấy cái gì trái pháp luật thì phải báo cáo lại hoặc từ chối. Dù có nhận lợi ích hay không thì cũng là hành vi cố ý làm trái, gây thất thoát lãng phí cho tài sản nhà nước, khi ấy anh không thể vô can hay được miễn trách nhiệm hình sự. Đó là điều mà người thực hiện mệnh lệnh sai luật của cấp trên phải lường trước và sẵn sàng gánh chịu hậu quả nếu thực thi.
Không phải trường hợp nào cũng khởi tố, bắt giam tất cả một loạt cấp dưới nhưng cũng đến một giới hạn: đủ nhận thức việc ấy là sai trái. Chẳng hạn, đất đai thay vì phải mang ra đấu giá lại không đấu giá, tiến hành chỉ định/giao đất, gây thiệt hại cho nhà nước mà vẫn cứ làm ngơ, hoặc có thể nhận lợi ích vật chất, quà cáp, hoặc không nhận/nhận mà không ai biết, không khai ra, không có chứng cứ... thì đương nhiên bị xử lý.
Khi sếp có chỉ đạo miệng sai luật, cấp dưới có thể xin ý kiến sếp bằng văn bản hay mail, tin nhắn để làm bằng chứng sau này khi cần thiết. Nếu báo cáo lại rồi cấp trên vẫn tiếp tục ra văn bản yêu cầu làm, cấp dưới vẫn phải thi hành, song khi đó phải báo cáo bằng văn bản với cấp trên của người đã ra quyết định để giảm thiểu trách nhiệm pháp lý sau này. Nếu mệnh lệnh của cấp trên sai luật mà cấp dưới vẫn thực thi thì người trực tiếp thực hiện mệnh lệnh ấy sẽ phải chịu trách nhiệm".
(Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu TRƯƠNG XUÂN TÁM nêu quan điểm trên Báo Đất Việt ngày 10-1).
Bình luận (0)