Những ngày đầu tháng 10-2024, ghi nhận một số tuyến đường trung tâm quận 1 đã triển khai thí điểm thu phí như Phan Bội Châu, Lê Thánh Tôn, Phan Chu Trinh, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo… cho thấy vỉa hè gọn gàng, thông thoáng hơn hẳn. Các hộ kinh doanh, người dân mua bán dọc vỉa hè đã chủ động sắp xếp hàng hóa, bàn ghế ngăn nắp, xe máy được để ngay ngắn, đúng vị trí.
Vỉa hè ngăn nắp, người dân thoải mái
Phần vỉa hè của các tuyến đường này được chia làm 3 phần, phân biệt bằng màu sơn vạch kẻ trắng và vàng. Phía ngoài sát lòng đường rộng khoảng 1 m là chỗ để xe máy, phần ở giữa là lối đi dành cho người đi bộ rộng chừng 2 m, phần trong sát nhà dân dành cho hàng quán thuê làm mặt bằng buôn bán.
Trên đường Phan Chu Trinh, ngồi đúng vị trí được quy định, nữ tiểu thương tên Ngọc tự tin bày trái cây. Chị Ngọc kể sau nhiều năm "bán lén", giờ không còn nơm nớp lo lực lượng chức năng nhắc nhở, nhờ vậy việc buôn bán thuận tiện hơn.
Tương tự, chị Châu Yến Mai thuê mặt bằng ở đường Lê Thánh Tôn để mở cửa hàng bán phụ kiện, quần áo đã nhiều năm. Nhớ lại mỗi lần đông khách, có lúc chị đề nghị khách đỗ xe tạm ở lòng đường rồi cả khách và chủ sạp đều thấp thỏm vì sợ bị phạt. "Được bố trí cho thuê vỉa hè hơn 3 m2, hằng tháng đóng tiền cũng nhẹ nhàng, tôi an tâm buôn bán. Khách đến đây cũng có chỗ để xe nên hết hẳn đắn đo" - chị Mai cho hay.
Ghi nhận tại một số vỉa hè đường Nguyễn Tri Phương, 3 Tháng 2, Lý Thường Kiệt (quận 10)… không khí thoải mái giữa người đi bộ, người bán, người mua như những điểm thu phí phía quận 1.
Ông Trần Văn Minh, chủ một cửa hàng nội thất trên đường Nguyễn Tri Phương, nhận xét nhà nước cho người dân đóng phí sử dụng vỉa hè là động thái tích cực, tạo điều kiện cho bất cứ ai có nhu cầu được an tâm kinh doanh, đồng thời ngăn nắp hóa phần vỉa hè dành cho người đi bộ.
Có khác biệt?
Chia sẻ về kết quả khi triển khai thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố, đại diện UBND quận 1 cho biết vỉa hè 11 tuyến đường thí điểm cho người dân sử dụng tạm một phần vỉa hè có đóng phí dần đi vào nền nếp, không bị lấn chiếm như trước. Vị đại diện thông tin tới đây quận sẽ tổ chức đánh giá để triển khai nhân rộng trên nhiều tuyến đường khác.
Tại quận 10, đại diện UBND quận cho hay từ ngày 1-7 địa phương triển khai thu phí đối với vỉa hè 28 tuyến đường, đến nay hơn 800 hộ đăng ký. Qua thời gian, người dân đều đồng tình, vỉa hè trật tự hơn.
Trong khi đó, đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết quận đang chuẩn bị công bố danh mục tuyến đường cho sử dụng tạm thời một phần vỉa hè có thu phí.
Về khó khăn, việc giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải chờ văn bản của UBND TP HCM về thi hành Nghị định 44/2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ngoài ra, việc giám sát, xử phạt vi phạm hành chính khi người sử dụng vỉa hè có đóng phí nhưng không thực hiện đúng nội dung mặt hàng, diện tích, thời gian đăng ký sử dụng… cũng cần có hướng dẫn để giám sát.
Thành phố sốt ruột
Chung quan điểm về khó khăn, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết quận đã ban hành danh mục 39/96 tuyến đường có vỉa hè thu phí sử dụng tạm để kinh doanh. Dự kiến trong tháng 10 các phường sẽ có hướng dẫn cụ thể.
"Vừa qua, quận 5 cũng triển khai cho một số cửa hàng bán bánh trung thu thuê vỉa hè. Khó khăn là quận phải rà soát các quy định pháp luật để ban hành quy trình cấp phép, thu phí sao cho chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trên các phường. Do đó, thời gian triển khai có hơi chậm" - ông Trung cho hay.
Theo tìm hiểu, việc thu phí tạm thời lòng đường, hè phố được TP HCM áp dụng từ ngày 1-1-2024. Từ đó đến nay, thành phố cùng các cơ quan liên quan không ít lần ra văn bản đốc thúc.
Đơn cử, đầu tháng 6, Văn phòng UBND TP HCM có thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường. Ông yêu cầu Sở Giao thông Vận tải (GTVT), UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương rà soát, ban hành danh mục tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo thẩm quyền quy định tại Quyết định 32/2023 của UBND TP HCM.
"Các đơn vị tập trung thực hiện, bảo đảm tiến độ hoàn thành chậm nhất trong tháng 6-2024; nếu để xảy ra chậm trễ thì người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP HCM" - văn bản nêu rõ.
Đến tháng 7, Sở GTVT đề nghị chủ tịch UBND TP Thủ Đức, chủ tịch các quận, huyện quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn quản lý theo quy định đã ban hành...
10 tháng, 5 quận làm
Thống kê của Sở GTVT TP HCM cho thấy tính đến đầu tháng 10 có 5/22 quận, huyện triển khai cấp phép thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè theo quy định gồm quận 1, 3, 4, 10 và 12.
Tính đến ngày 25-9, số phí thu được của quận, huyện ước khoảng 3,2 tỉ đồng. Hiện có 8/22 quận, huyện đề xuất danh mục các tuyến đường có vỉa hè có thể thu phí sử dụng. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa cung cấp thông tin về thu phí cũng như chưa triển khai…
Bình luận (0)