Tại Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2025 (HCM City Export 2025) do UBND TP HCM phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức mới đây, sự góp mặt của mô hình triển lãm số cung cấp cho các doanh nghiệp (DN) thêm nền tảng giao dịch với đối tác để gia tăng cơ hội xuất khẩu hàng hóa.
Nhiều tiện ích
Bà Ngô Diệu Thủy, Tổng Giám đốc sàn thương mại điện tử B2B Arobid, chủ sở hữu nền tảng triển lãm số Arobid TradeXpo, cho biết nền tảng hội tụ hàng ngàn triển lãm, hội chợ thương mại, hội thảo trực tuyến (webinar)… về các ngành nghề như may mặc, gỗ, giày dép, dịch vụ…
Cũng tại HCM City Export 2025, Arobid đã mở gian hàng số miễn phí, thể hiện thông tin sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, giá cả, năng lực sản xuất, chứng chỉ xuất khẩu… cho DN tham dự. Khách hàng trên toàn cầu tải ứng dụng hoặc truy cập website Arobid trên điện thoại, máy tính là có thể vào các gian hàng số để tìm kiếm thông tin, xem sản phẩm và nhà cung cấp. Khi có nhu cầu về mặt hàng, thị trường, tiêu chí đang cần tìm…, công cụ AI trên sàn sẽ hỗ trợ chuyển hướng đến các DN phù hợp. Tất cả dữ liệu liên quan đến mua - bán sẽ được AI ghi nhận, đánh giá về độ uy tín dựa trên số lần hợp tác, phản hồi từ đối tác… từ đó đề xuất độ tin cậy để người mua - người bán cân nhắc giao dịch. "Trung bình mỗi năm, DN tham gia triển lãm quốc tế 1 lần, tỉ lệ chốt đơn trực tiếp ngay thời điểm đó cho lần gặp đầu tiên sẽ rất thấp do giá trị đơn hàng xuất khẩu rất lớn, tính bằng đơn vị triệu USD, chưa hiểu kỹ đối tác... Với nền tảng triển lãm số, DN có nhiều thông tin, rút ngắn thời gian tìm hiểu đối tác trước khi gặp trực tiếp để tăng tỉ lệ chuyển đổi thành đơn hàng thành công" - Tổng giám đốc Arobid thông tin.
Theo bà Thủy, Arobid còn có các tiện ích khác như quản lý chuỗi cung ứng logistics, tư vấn pháp lý, cho vay phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu. Mục tiêu đến cuối năm 2026, công ty sẽ đạt 20.000 - 30.000 gian hàng số, cung cấp hạ tầng cho DN duy trì kết nối và mở rộng thị trường bền vững. Hiện nền tảng có các gói với nhiều tính năng được nâng cấp như mở rộng số lượng sản phẩm, tăng gian hàng, quyền báo giá...
Trong khuôn khổ HCM City Export 2025, Arobid đã ký kết hợp tác với nhiều đơn vị, như Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) để triển khai mô hình triển lãm số cho Triển lãm Ngành lương thực thực phẩm TP HCM 2025, diễn ra từ ngày 16 đến 19-4; hợp tác Công ty CP Quảng cáo và Xúc tiến thương mại Đông Nam tổ chức triển lãm số tại Triển lãm Quốc tế giấy và bao bì Việt Nam (VPPE) từ ngày 7 đến 9-5…
Là đơn vị ký kết với Arobid, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, cho biết trung tâm đặt mục tiêu đưa 10.000 DN lên sàn để tận dụng mô hình triển lãm số quảng bá thương hiệu Việt nhằm tăng cơ hội xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, triển lãm số là kênh giao dịch mới cho DN, đặc biệt là DN chưa kết nối được với thị trường quốc tế. Các tính năng trực tuyến sẽ giúp DN vượt qua mọi rào cản, hạn chế so với các phương thức giao dịch truyền thống.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2024) chỉ ra rằng việc ứng dụng công nghệ số giúp giảm 15%-20% chi phí, tạo cơ hội cho DN nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trải nghiệm mô hình triển lãm số tại HCM City Export 2025
Xây dựng hệ sinh thái bền vững
Tại lễ ký kết, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ quan trọng, trong đó phát triển thương mại điện tử (TMĐT) được xem là giải pháp then chốt để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2025. Sự hợp tác giữa các đơn vị sẽ tạo được động lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư của cộng đồng DN, sự hội nhập trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ông Dũng lưu ý cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và nguồn lực để tận dụng tối đa lợi ích TMĐT mang lại.
Theo ông Phan Đình Tuệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways - cần cụ thể hóa chỉ số hiệu qủa của nền tảng triển lãm số để thu hút DN tham gia. Đồng thời, tăng cường hợp tác các hiệp hội DN để tạo hệ sinh thái DN, phát huy hết khả năng của mô hình triển lãm số.
Đánh giá cao về tiềm năng của triển lãm số cho ngành du lịch, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho hay Sở sẽ phối hợp với Arobid để quảng bá du lịch đến du khách trong và ngoài nước, đưa Hội chợ Du lịch Quốc tế dự kiến tháng 9-2025 lên sàn TMĐT. Ông cũng đề nghị sàn phải bảo đảm về bảo mật dữ liệu người dùng ở mức cao nhất, giao diện, hình ảnh bắt mắt, chất lượng cao để tăng sức hấp dẫn.
Chuyên gia TMĐT Lưu Thanh Phương nhận định triển lãm số sẽ là công cụ hữu hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt với các đơn vị nhỏ và vừa khi chưa có nhiều nguồn lực như đội ngũ bán hàng quốc tế. Để mô hình này đạt hiệu quả và bền vững, các nền tảng triển lãm số cần đầu tư hạ tầng công nghệ ổn định, giao diện thân thiện, tích hợp các công cụ AI hỗ trợ phiên dịch, tư vấn trực tuyến và đặc biệt bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, cần xây dựng nội dung triển lãm phong phú, cập nhật và sát nhu cầu thị trường, chi phí phải rẻ hơn các sàn như Alibaba, Amazon.
Theo kịp xu hướng thị trường
Ông Lê Trung Dũng, đại diện Cục Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết trong 10 năm qua, DN Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các sàn TMĐT B2B quốc tế để xúc tiến xuất khẩu như Alibaba (Trung Quốc). Nền tảng B2B Arobid cơ bản đáp ứng đầy đủ các tính năng cần thiết để DN Việt tham gia trưng bày sản phẩm và kết nối quốc tế. Bên cạnh đó, triển lãm số cần cập nhật công nghệ liên tục để theo kịp xu hướng thị trường.
Bình luận (0)