Theo Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, canh tác lúa phát thải gần 50 triệu tấn khí hiệu ứng nhà kính mỗi năm, tức trung bình sản xuất 0,9 tấn gạo sinh ra một tấn CO2 quy đổi. Với lượng phát thải khí hiệu ứng nhà kính cao từ canh tác lúa, Việt Nam đang tìm giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng này đối với môi trường.
Bài toán nan giải
Con số phát thải khí hiệu ứng nhà kính trong canh tác lúa của Việt Nam cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ và đứng thứ 5 trong nhóm 10 cường quốc xuất khẩu gạo. Lượng phát thải khí hiệu ứng nhà kính từ sản xuất lúa gạo chiếm 48%, hơn 75% lượng khí thải mê-tan của ngành nông nghiệp - là tác nhân chính khiến biến đổi khí hậu - trở thành bài toán nan giải.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải khí hiệu ứng nhà kính toàn quốc. Phát thải khí hiệu ứng nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực: trồng lúa nước (phát thải 49,7 triệu tấn CO2, chiếm 50%), chăn nuôi (18,5 triệu tấn CO2, chiếm 19%), quản lý đất và sử dụng phân bón (13,2 triệu tấn CO2, chiếm 13%).
Nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí hiệu ứng nhà kính trong sản xuất lúa gạo gồm: thâm canh nông nghiệp không bền vững; tỉ lệ phân bón và mức độ sử dụng nước tưới cao; quản lý không đúng cách các tàn dư lúa như rơm rạ, trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong canh tác…
TS Nguyễn Thế Hinh, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp - Bộ NN-PTNT, cho rằng phát thải khí hiệu ứng nhà kính trong trồng lúa chủ yếu là CH4 (mê-tan). Loại khí này sinh ra chủ yếu do các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí khi ruộng lúa bị ngập nước. Lượng khí mê-tan phát thải từ các ruộng lúa có thể khác nhau, tùy thuộc vào loại đất và nhiệt độ. Ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí mê-tan sinh ra càng nhiều.
ĐBSCL là vùng sản xuất lúa trọng điểm của quốc gia, chiếm hơn 50% diện tích gieo trồng và sản lượng lúa của cả nước mỗi năm. Hiện nay, các kỹ thuật canh tác có thể giúp làm tăng năng suất, gia tăng sản lượng lúa nhưng cũng có thể tác động ngược lại, làm tăng lượng phát thải khí hiệu ứng nhà kính.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT, Việt Nam đã có những cam kết với quốc tế về thực hiện giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng.
Trong đó, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha) do Bộ NN-PTNT chủ trì, triển khai tại các tỉnh, thành miền Tây được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là giảm giá thành, làm giảm phát thải và tăng lợi nhuận cho nông dân.
Xu hướng tất yếu
Ông Lê Thanh Tùng khẳng định mục tiêu của Đề án 1 triệu ha là sử dụng công nghệ cao vào đồng ruộng, từ đó tạo các sản phẩm hàng hóa cao cấp, giảm chi phí sản xuất.
Đề án 1 triệu ha nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100 kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm hơn 10% lượng phát thải khí hiệu ứng nhà kính so với canh tác lúa truyền thống; tỉ suất lợi nhuận của nông dân trồng lúa là trên 50%...
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, nguyên Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn - Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng để thực hiện thành công đề án này, cần chắt lọc các tiến bộ kỹ thuật phù hợp, xây dựng thành "gói kỹ thuật" hoàn chỉnh rồi triển khai ứng dụng đồng bộ và thống nhất. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất lớn, thống nhất và đồng bộ; tổ chức liên kết chặt chẽ tất cả tác nhân trong toàn chuỗi theo hướng gắn kết chặt chẽ "trách nhiệm và lợi ích" được chia sẻ hài hòa với nhau.
"Ba tiêu chí hướng đến của canh tác lúa bền vững, xây dựng và củng cố thương hiệu gạo là: ngon (chất lượng), lành (an toàn vệ sinh thực phẩm) và thân thiện với môi trường (không ô nhiễm và phát thải thấp)" - PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ nhấn mạnh.
Tháng 10-2022, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết mức chi trả cho tín chỉ carbon từ các HTX sản xuất lúa giảm phát thải ở ĐBSCL dự kiến là 150 USD/ha, bắt đầu từ năm 2024. Qua các tính toán cho thấy Đề án 1 triệu ha giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương 9.500 tỉ đồng/năm (sản lượng 13 triệu tấn lúa năm 2030).
Áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỉ đồng/năm. Chỉ với 2 khoản này, ngành lúa có thêm 16.500 tỉ đồng/năm. Chưa kể, các yếu tố cộng thêm từ thương hiệu gạo giảm phát thải, phân khúc tiêu dùng xanh... sẽ có thêm 100 triệu USD từ WB mỗi năm nếu tạo ra khoảng 10 triệu tín chỉ carbon từ sản xuất lúa gạo.
Theo TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, ước tính có thể bán tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế. Nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ/năm, nông dân có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đó là những con số khá ấn tượng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.
Nông sản ĐBSCL có tín chỉ carbon sẽ được các nước trên thế giới ưu đãi và giá trị nông sản xuất khẩu cũng tăng rất đáng kể. Vấn đề còn lại là sau khi thực hiện các bước để giảm phát thải carbon trong trồng lúa thì phương pháp xác định định lượng giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính như thế nào, đơn vị nào xác định để được quốc tế công nhận?
Còn nhiều việc phải làm
Đến nay, Việt Nam còn đang trong giai đoạn tiền vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Sẽ quá sớm khi nói về thị trường cung cấp hợp đồng dựa trên tín chỉ carbon được giao dịch ở các sàn giao dịch bắt buộc và tự nguyện.
"Đối với các mô hình thí điểm theo Đề án 1 triệu ha, chỉ những người giỏi tổ chức sản xuất nông nghiệp thì chưa đủ mà cần đơn vị thực thi am hiểu về thị trường tín chỉ carbon, các quy định pháp lý, cách tiếp cận khách hàng, hiểu và kết nối thúc đẩy các công việc: xác định nguồn tín chỉ carbon, đánh giá và xác minh; nắm vững thông tin về thị trường tín chỉ carbon, giá cả và xu hướng, các sàn giao dịch cũng như quy tắc giao dịch; thực hiện giao dịch; xây dựng thương hiệu…" - ông Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phụ trách khu vực ĐBSCL, nhận định.
Bình luận (0)