Ngày 9-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã trình bày tờ trình về dự án Luật Nhà giáo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng với 5 chính sách quan trọng, gồm: Định danh; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh; quản lý nhà nước về nhà giáo. Các chủ trương này đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua.
Dự thảo luật quy định chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập.
Cũng theo dự thảo luật, nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết một điểm đáng chú ý khác tại dự thảo luật là giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao...
Dự thảo luật cũng xây dựng các chính sách để Nhà nước có cơ chế thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo. Đồng thời, thu hút nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, cho biết Ủy ban nhất trí với quy định trong dự thảo luật về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo. Ủy ban cũng tán thành các chính sách ưu tiên, hỗ trợ, thu hút nhà giáo.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng về cải cách chính sách tiền lương; cân nhắc việc quy định chính sách tiền lương đối với nhà giáo ở khu vực ngoài công lập; không quy định lại chính sách thuê nhà công vụ đã được quy định trong Luật Nhà ở.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cho rằng cần đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm khả thi, nhất là về nguồn lực thực hiện đối với chính sách bảo đảm chỗ ở tập thể cho nhà giáo khi đến công tác tại vùng nông thôn.
Ủy ban Văn hoá, Giáo dục tán thành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH trong quản lý nhà nước về nhà giáo và cho rằng đây là chính sách mới, tạo điều kiện để ngành Giáo dục chủ động trong việc điều động, luân chuyển, sắp xếp giáo viên giữa các địa bàn; khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc việc giao thẩm quyền cho các cơ quan này trong việc chủ trì, phối hợp điều phối nhà giáo công tác trong trường của lực lượng vũ trang nhân dân.
Bình luận (0)