Một là, những vấn đề về dân chủ trường học, tuyển dụng công khai, minh bạch, đồng lương được cải thiện rõ ràng nhưng còn nhiều mong muốn khác, như về nhà ở cho giáo viên ở các vùng kinh tế khó khăn, khám chữa bệnh cho nhà giáo đương nhiệm và đã nghỉ hưu cũng cần được chú ý…
Hai là, chính sách nhà nước phát triển đội ngũ nhà giáo cần đi đôi với những quy định cụ thể; hoàn toàn không có chế tài, không rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trung ương và địa phương. Nên chăng có một chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo cần được thể chế hóa vào những điều nào đó trong luật này.
Ba là, về hoạt động nhà giáo, việc diễn đạt một số khái niệm còn chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của nhà giáo, việc liệt kê những hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo vừa thiếu vừa không hệ thống. Tôi kỳ vọng văn bản luật này nên quy định nhiệm vụ cụ thể của nhà giáo đối với mỗi cấp, lớp học. Dự thảo quy định hoạt động của nhà giáo ở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT khá chi tiết nhưng hoạt động của giảng viên đại học hay giáo viên, giảng viên dạy nghề thì lại không tương xứng.
Bốn là, việc tuyển dụng do cơ quan quản lý cấp trên cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm là không ổn. Ví dụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quản lý nhiều trường đại học thì không nên tham gia tuyển dụng giáo viên. Hơn nữa ở địa phương, sở và phòng GD-ĐT có quyền tuyển dụng giáo viên cho các trường cũng không nên... Cần lưu ý nên áp dụng mô hình quản lý nhà trường mới, lấy cộng đồng giám sát, trao quyền tự chủ cho hiệu trưởng và ban giám hiệu chủ động tuyển dụng. Cơ quan quản lý nhà nước địa phương cấp trên chỉ tham gia ở những việc nào đó và cùng theo dõi, giám sát. Tuyển dụng giáo viên đòi hỏi phải có kỹ năng, tri thức và khách quan, dân chủ, liêm chính và chịu trách nhiệm giải tính minh bạch mà cơ quan quản lý giáo dục cấp trên có thể không đáp ứng. Ví dụ, một doanh nghiệp (DN) tuyển dụng nhân viên mà lại phải nhờ đến tay của nhà quản lý cấp trên thì rất trái nguyên tắc việc, người và tài chính gắn với nhau và DN sẽ khó làm chủ kinh doanh.
Năm là, việc đánh giá giáo viên trong dự thảo nên bổ sung việc đánh giá nhà giáo của học sinh, sinh viên. Điều này bảo đảm tính khách quan, toàn diện. Như vậy, luôn đòi hỏi nhà giáo phải giữ gìn phẩm chất, luôn nâng cao trình độ. Ngoài ra, giáo viên được quyền đánh giá người đứng đầu cơ sở giáo dục để bảo đảm tính dân chủ.
Cuối cùng, với giáo viên giáo dục nghề nghiệp, dự thảo luật đã bỏ qua những người có thể làm giáo viên từ DN hoặc những đào tạo viên của DN cũng cần phải được coi như nhà giáo hưởng quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo.
Rất cần đánh giá tác động của một số cơ chế mới được quy định trong Luật Nhà giáo, cũng như việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục địa phương có nên giao trách nhiệm cho Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hay không để bảo đảm tính thông suốt trong điều hành đổi mới GD-ĐT?
Bình luận (0)