Trước thềm kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) nhận xét đây là kỳ họp với khối lượng công việc rất lớn song chương trình được bố trí khoa học, hợp lý. Theo đó, kỳ họp tiếp tục được tổ chức thành 2 đợt và dành thời gian nghỉ 1 tuần để tạo điều kiện cho các cơ quan tiếp thu, giải trình, hoàn thiện kỹ lưỡng các nội dung trước khi Quốc hội thông qua.
Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam, công tác lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp này với khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các đại biểu sẽ phát huy tinh thần chủ động, tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung cụ thể; thảo luận khách quan, toàn diện, trọng tâm; góp phần đưa ra những quyết sách đúng đắn, có ý nghĩa như đòn bẩy, động lực thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ sự quan tâm đến công tác giảm nghèo thực chất, bền vững. Theo ông, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế trong tốp 4 của ASEAN và tốp 40 của thế giới với nhiều điểm sáng nổi bật về xóa đói giảm nghèo, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Chúng ta đã xây dựng và thực hiện hàng loạt chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững. Trong đó, trọng tâm là 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, các hộ nghèo được hỗ trợ vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống theo chuẩn nghèo đa chiều mới.
Theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, ước tính tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93% (giảm 1,1%); tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%).
Những thành công nêu trên là minh chứng rõ nét, cho thấy Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo cho người dân, nhất là với đối tượng yếu thế, người dân vùng khó khăn. Đó cũng là nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Dù vậy, công tác giảm nghèo ở nước ta hiện cũng đối mặt không ít thách thức. Đó là tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp còn nhiều ở một số nơi; nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội còn hạn chế; giảm nghèo chưa bền vững...
Lâu nay, khi nói về cách thức hỗ trợ người nghèo, chúng ta thường dùng hình ảnh ví von "con cá và cần câu". Muốn xóa đói giảm nghèo bền vững, việc trao cho người dân "con cá" hay "cần câu" cần được cân nhắc, áp dụng phù hợp với từng hoàn cảnh, thời điểm.
Bởi lẽ, không ít trường hợp được trao "cần câu" - vốn đầu tư dự án, xây dựng mô hình... - nhưng do trình độ còn hạn chế, cách làm chưa đến nơi đến chốn nên thất bại, không thu hồi được vốn, gây lãng phí. Do đó, việc trao "cần câu" không chỉ đơn giản là đầu tư vốn mà còn là sự hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh, nâng cao dân trí, giúp người dân có ý thức mạnh mẽ vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Bình luận (0)