Làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa từ lâu đã nổi tiếng với giống bưởi đỏ được dùng để bày mâm ngũ quả mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đây là giống bưởi có từ thời Hậu Lê, được cung tiến cho vua và triều đình vào mỗi dịp Tết.
Loại bưởi này khi còn non cũng có màu xanh như các giống bưởi khác, nhưng khi lớn thì chuyển dần sang màu vàng và đến lúc chín đổi hẳn sang màu đỏ. Điểm khác biệt của giống bưởi này là khi chín quả không chỉ chín đỏ bên ngoài mà cùi, múi bưởi đều có một màu đỏ hồng đặc trưng. Vì thế, loại quả này rất được ưu chuộng vào dịp Tết, được xem là biểu tượng của sự may mắn, tài lộc.
Tuy nhiên, theo thời gian, giống bưởi này có thời điểm bị lãng quên, mai một. Để gây dựng lại giống bưởi quý này, huyện Thọ Xuân đã lựa chọn một số gốc bưởi còn lại để nhân giống, sau đó hỗ trợ người dân làng Luận Văn cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng. Đến nay, huyện Thọ Xuân hiện đã phục tráng được 56 ha bưởi Luận Văn, trong đó có hơn 20 ha đã cho quả, sản lượng ước khoảng 400 tấn/vụ thu hoạch.
Vụ Tết Giáp Thìn 2024, gia đình ông Phạm Văn Thành (ngụ xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân) xuất bán được gần 2.000 quả bưởi đỏ, thu về gần 200 triệu đồng. Theo ông Thành, gia đình hiện trồng khoảng 100 gốc bưởi Luận Văn. "Năm nay thời tiết thuận lợi, vườn bưởi được mùa, hơn 100 gốc bưởi của gia đình tôi ước tính đạt khoảng 2.000 quả. Bưởi năm nay chín đúng thời điểm, quả đều đặn và năng suất cao hơn mọi năm. Với giá bán tại vườn từ 90.000 - 100.000 đồng/quả, gia đình thu về gần 200 triệu đồng. Trừ hết chi phí, gia đình có thu nhập khoảng 130 triệu đồng"- ông Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, bưởi Luận Văn có vỏ mỏng, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, vị ngọt nhẹ. Đặc biệt, khi chín, bưởi đỏ Luận Văn tỏa hương thơm đặc trưng và trông rất đẹp. "Khi thắp hương, bưởi lưu giữ được mùi thơm lâu. Có những quả để 2-3 tháng vẫn giữ được mùi thơm nhẹ. Vì vậy, vào mỗi dịp Tết, người dân thường mua 1-2 quả về làm mâm ngũ quả""- ông Thành chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tư (SN 1968; ngụ xã Thọ Xương) được xem là một trong những hộ trồng nhiều bưởi đỏ tiến vua nhất vùng đất này. Hiện gia đình ông có trên 3 ha trồng giống bưởi đặc sản đã cho thu hoạch, năm nay gia đình ông có trên 6.000 trái bưởi xuất bán ra thị trường Tết. Trừ chi phí, gia đình ông thu về khoảng 500 triệu đồng từ giống bưởi tiến vua này.
Ông Lê Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Xương, cho biết trên địa bàn xã có hơn 30 ha bưởi đỏ, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Đây là giống bưởi đặc sản ở địa phương, nguồn gốc xuất phát từ làng Luận Văn. Theo ông Hiếu, năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định cho phép huyện Thọ Xuân được sử dụng tên địa danh "Luận Văn" để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Luận Văn. Năm 2020, bưởi Luận Văn được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
"Trung bình 1 ha bưởi sẽ đem về thu nhập khoảng 500 triệu đồng, giúp nhiều gia đình có nguồn thu bền vững. Hiện xã cũng đang tạo điều kiện, khuyến khích bà con mở rộng diện tích để gây dựng thương hiệu, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương"- ông Hiếu chia sẻ.
Hình ảnh vườn bưởi "tiến vua" giúp gia đình ông Thành "hốt bạc" Tết 2024
Bưởi đỏ tiến vua Luận Văn (Thanh Hóa)
Bình luận (0)