Bộ Công an cho biết sẽ bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm góp phần quản lý tài xế từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đến khi tham gia giao thông.
Chặn dễ dãi khi cấp GPLX
Theo Bộ Công an, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét.
Trung bình hằng năm, lực lượng CSGT xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tước quyền sử dụng GPLX trên 500.000 trường hợp. Tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao; nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người.
Trong khi đó, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế, còn hình thức, dễ dãi. Việc quản lý người lái xe sau khi sát hạch, cấp GPLX đang bị buông lỏng. Do đó, việc trừ điểm GPLX vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên người dân chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. "Mỗi lần bị trừ điểm được coi như tiếng chuông cảnh báo, giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn" - Bộ Công an nhìn nhận.
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất quy định người lái xe vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm GPLX; trong thời hạn 12 tháng mà chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm. Với GPLX chưa bị trừ hết điểm, tài xế tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không làm ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân. Qua đó giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện việc chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Cần cơ sở hạ tầng đồng bộ
Bộ Công an cũng cho biết mức trừ điểm cụ thể trong một lần vi phạm sẽ được nghiên cứu cụ thể, bảo đảm không chồng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính khác. Việc phục hồi điểm sẽ được thực hiện đơn giản, ứng dụng công nghệ thông tin, tránh gây phiền hà cho người vi phạm. Theo đó, người lái xe sẽ nhận được thông báo của cơ quan chức năng về việc GPLX bị trừ điểm, hệ thống cơ sở dữ liệu tự động trừ điểm và phục hồi điểm nên không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm, không phát sinh tiêu cực.
Ủng hộ đề xuất của Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng với việc trừ điểm GPLX, tài xế sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm hơn, thường xuyên theo dõi thông tin trên cơ sở dữ liệu, luôn chú ý và chấp hành nghiêm quy định khi điều khiển xe trên đường để không bị trừ hoặc trừ hết điểm. "Ngoài giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế, quy định này cũng giúp doanh nghiệp vận tải có căn cứ xem xét việc ký hợp đồng, giám sát được tài xế trong suốt thời gian làm việc" - ông Quyền đánh giá.
Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng để thực hiện quy định này một cách hiệu quả, hợp lý, cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu phải đồng bộ để người dân "tâm phục khẩu phục". Ngoài ra, cũng cần có biện pháp giám sát, ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra trong quy trình xử lý vi phạm và quản lý hành vi vi phạm. "Trước đây từng có biện pháp đánh dấu số lần vi phạm của tài xế trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng cách "bấm lỗ" song quy định này đã phải bãi bỏ do dễ phát sinh tiêu cực. Tương tự, trong trường hợp bị trừ gần hết điểm, có thể tài xế sẵn sàng bỏ tiền ra để không bị trừ nữa" - luật sư Đặng Xuân Cường cảnh báo.
Đề xuất B1, B2 chung hạng B
Bộ Công an đề xuất bỏ hạng A4 và không quy định hạng GPLX cho người điều khiển máy kéo vì phương tiện này sẽ được xếp vào nhóm xe máy chuyên dùng. Đồng thời, đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B do căn cứ để phân hạng GPLX là từ công suất, kiểu loại, động cơ và số chỗ ngồi.
Bộ Công an cho rằng việc phân hạng GPLX là cần thiết bởi sẽ giúp nội luật hóa quy định tại Công ước Vienna năm 1968 về GPLX quốc tế; góp phần phát triển kinh tế, du lịch, thương mại, hợp tác quốc tế và phát triển sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện giao thông.
Nhiều nước đã tính điểm GPLX từ lâu
Nhiều quốc gia đã triển khai hệ thống tính điểm đối với GPLX. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, mỗi GPLX có 12 điểm/năm, nếu bị trừ hết thì sẽ bị đình chỉ lái xe. Để được cấp lại GPLX, người vi phạm phải nộp đơn xin cấp mới và thi lại lý thuyết.
Tương tự, tại Singapore, người điều khiển phương tiện được cấp GPLX gồm 12 điểm mỗi năm, nếu bị trừ hết số điểm cũng sẽ bị thu hồi GPLX. Bên cạnh phạt điểm, Singapore có hệ thống "ân xá" cho những người chấp hành tốt quy định giao thông. Cụ thể, theo trang web của lực lượng cảnh sát Singapore, người vi phạm sẽ được xóa điểm trừ nếu họ không có hành vi vi phạm giao thông nào trong 12 tháng kể từ ngày vi phạm gần nhất. Người bị đình chỉ GPLX sẽ được xóa lịch sử đình chỉ nếu không vi phạm bất kỳ lỗi nào trong 24 tháng kể từ ngày bị đình chỉ gần nhất.
Tại Thái Lan, vào đầu năm ngoái, Cảnh sát Hoàng gia đã triển khai hệ thống tính điểm phạt nhằm cải thiện kỷ luật của tài xế và an toàn đường bộ. GPLX của Thái Lan cũng có 12 điểm/năm. Nếu vi phạm gồm vượt quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại di động khi lái xe sẽ bị trừ 1 điểm; nếu vượt đèn đỏ hoặc đi sai phần đường sẽ bị trừ 2 điểm; tông xe rồi bỏ chạy bị trừ 3 điểm; lái xe trong tình trạng say rượu hoặc sử dụng ma túy, đua xe trái phép... bị trừ 4 điểm.
Nếu người điều khiển phương tiện bị trừ hết điểm trong vòng một năm, GPLX sẽ bị đình chỉ trong 90 ngày. Đặc biệt, nếu không tuân thủ lệnh đình chỉ, người vi phạm sẽ phải chịu mức án tối đa 3 tháng tù giam và phạt tiền lên tới 10.000 baht (gần 7 triệu đồng) hoặc cả hai.
X.Mai
Bình luận (0)