Sau 2 ngày nghị án, chiều 18-12, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ án "trốn thuế" và "rửa tiền" liên quan "trùm" buôn lậu Mười Tường và 2 cựu cán bộ Công an tỉnh An Giang.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, SN 1969; ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) 19 năm tù về tội “Trốn thuế”, “Rửa tiền”; phạt bổ sung 100 triệu đồng, đồng thời phải nộp lại ngân sách nhà nước số tiền hơn 755 tỉ đồng đã trốn thuế.
2 cựu cán bộ công an là Nguyễn Văn Võ (SN 1968; ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bị phạt 11 năm tù; Nguyễn Văn Sang (SN 1970; ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) 10 năm tù, cùng về tội "Rửa tiền". Võ và Sang còn bị phạt bổ sung 100 triệu đồng mỗi người. Ngoài ra, Võ phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính hơn 3,5 tỉ đồng và Sang nộp lại hơn 1,3 tỉ đồng.
Trước đó, trong các phiên xét xử, Hạnh liên tục phủ nhận tội "Rửa tiền". Còn tội "Trốn thuế" thì bị cáo thừa nhận là có nhưng không thừa nhận trốn thuế với số tiền hơn 755 tỉ đồng.
Hạnh cho rằng Võ và Sang không hề "rửa tiền" cho mình. Số tiền mà Hạnh và người làm công chuyển vào tài khoản của Võ là tiền trả nợ vì trước đó có mượn tiền của Võ để làm ăn.
Các luật sư bào chữa cho "trùm" buôn lậu cho rằng nhiều tình tiết chưa rõ ràng, nhất là việc xác định số tiền bà ta trốn thuế chưa chính xác, cần phải giám định lại.
Phản bác những ý kiến từ phía luật sư, đại diện VKSNN giữ quyền công tố tại tòa cho rằng việc xác định số tiền trốn thuế hơn 755 tỉ đồng là dựa trên hồ sơ chứng cứ trong vụ án, cũng như kết quả giám định của Cục Thuế tỉnh An Giang. Vì vậy, có đủ cơ sở khẳng định các bị cáo phạm tội.
Như vậy, đến nay, "trùm" buôn lậu Mười Tường đã bị đưa ra xét xử đủ 6 vụ án mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố.
Trước đó, Mười Tường đã bị xét xử trong 5 vụ án: "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài"; "buôn lậu" đường cát (2 vụ); "buôn lậu" 51 kg vàng; "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Theo cáo trạng, từ năm 2009 - 2020, Hạnh thành lập nhiều công ty và hộ kinh doanh để mua bán đường cát, sản xuất đường phèn... Hạnh mua đường từ Campuchia rồi vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.
Trong quá trình điều hành hoạt động, các công ty và hộ kinh doanh của Hạnh đã bán đường cát cho 20 khách hàng ở An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và TP HCM, với tổng số tiền hơn 2.863 tỉ đồng.
Để nhận tiền bán đường từ khách hàng, Hạnh nhờ người làm công đứng tên mở các tài khoản ngân hàng và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào, mà không chuyển vào tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế. Các tài khoản ngân hàng này đều đăng ký số điện thoại của Hạnh, nhận tin nhắn biến động tài khoản khi khách hàng chuyển tiền để quản lý.
Khi mua bán đường cát, Hạnh không lập hồ sơ kế toán, không xuất hóa đơn bán hàng và kê khai thuế không đúng doanh thu bán ra. Căn cứ kết quả giám định về thuế, cơ quan chức năng xác định số tiền gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 755 tỉ đồng.
Trong quá trình làm ăn, Hạnh nhờ sự giúp đỡ của Võ và Sang (lúc đó là cán bộ Công an tỉnh An Giang). Vì thế, để "trả ơn", Hạnh chỉ đạo người được nhờ đứng tên chủ tài khoản ngân hàng rút tiền không xuất hóa đơn trong các tài khoản trên rồi chuyển vào tài khoản của Võ và Sang. Trong đó, Võ nhận hơn 3,5 tỉ đồng với danh nghĩa làm từ thiện, nuôi cá và gửi tiết kiệm; còn Sang nhận hơn 1,3 tỉ đồng, với danh nghĩa làm từ thiện.
Bình luận (0)