Giá dầu tăng một phần đến từ lo ngại Israel có thể đánh vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran để trả đũa cuộc tấn công tên lửa của Tehran trong tuần này. Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Joe Biden hôm 3-10 cho biết Mỹ đang thảo luận với Israel về chủ đề nói trên.
Ông Daan Struyven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), ước tính với đài CNBC hôm 4-10 rằng nếu sản lượng dầu của Iran giảm liên tục 1 triệu thùng mỗi ngày, giá dầu thế giới trong năm tới có thể tăng thêm 20 USD/thùng.
Theo ông Struyven, đây là mức tăng thêm dự kiến cao nhất, dựa trên giả định liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+) sẽ không tăng thêm sản lượng.
Kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra vào ngày 7-10 năm ngoái, thị trường dầu mỏ không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng nhờ vào sản lượng dầu tăng từ Mỹ và nhu cầu chậm lại tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, căng thẳng tại Trung Đông trong những ngày gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa thực sự đối với nguồn cung dầu. Là thành viên OPEC, Iran sản xuất gần 4 triệu thùng dầu/ngày. Ước tính 4% nguồn cung của thế giới có thể gặp rủi ro nếu cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran trở thành mục tiêu của Israel.
Ngoài ra, Iran từng đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến đường thủy chiến lược kết nối những nhà sản xuất dầu thô ở Trung Đông với thị trường toàn cầu, nếu ngành dầu mỏ của họ bị ảnh hưởng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, có tới khoảng 1/5 sản lượng dầu của thế giới di chuyển qua eo biển giữa Oman và Iran kể trên mỗi ngày.
Đơn vị nghiên cứu BMI thuộc công ty phân tích dữ liệu tài chính Fitch Solutions (Anh) nhận định trong trường hợp xảy ra xung đột toàn diện, giá dầu Brent có khả năng tăng vọt lên trên 100 USD/thùng. Bất kỳ sự gián đoạn nào tại eo biển Hormuz cũng sẽ đẩy giá dầu lên 150 USD/thùng hoặc cao hơn.
Bình luận (0)