Hãng tin AP dẫn thông báo của Bộ Chỉ huy Trung Đông của Lực lượng Không quân Mỹ hôm 11-1 rằng hơn 60 mục tiêu tại 16 địa điểm ở Yemen đã trúng đòn tấn công, bao gồm các điểm chỉ huy và kiểm soát, kho đạn dược, hệ thống phóng tên lửa, cơ sở sản xuất và hệ thống radar phòng không.
Nhấn mạnh cuộc tấn công diễn ra sau những nỗ lực đàm phán ngoại giao và cân nhắc kỹ lưỡng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Mỹ sẽ không ngần ngại có những biện pháp tiếp theo để bảo vệ người dân và thương mại quốc tế.
Bộ Quốc phòng Anh cũng cho rằng khả năng đe dọa hoạt động vận tải hàng hải của lực lượng Houthi đã bị giáng đòn mạnh. Trong khi Iran, quốc gia hậu thuẫn Houthi, lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công thì người phát ngôn của lực lượng này tuyên bố tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu hướng đến Israel.
Gay gắt hơn, quan chức cấp cao của Houthi là ông Ali al-Qahoum khẳng định sẽ trả đũa "lớn hơn mức tưởng tượng của Mỹ và Anh".
Bày tỏ sự ủng hộ với Mỹ và Anh, chính phủ các nước Úc, Bahrain, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, New Zealand và Hàn Quốc tuyên bố dù mục đích là giảm căng thẳng và khôi phục sự ổn định ở biển Đỏ nhưng họ sẽ không do dự bảo vệ người dân và tuyến hàng hải thương mại quan trọng này.
Không đứng ngoài cuộc, Nga đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp để thảo luận về các cuộc tấn công quân sự.
Cuộc tấn công quân sự phối hợp giữa Mỹ và đồng minh diễn ra chỉ một tuần sau khi Nhà Trắng và các đối tác đưa ra tối hậu thư yêu cầu Houthi ngừng tấn công trên biển Đỏ.
Ông Andreas Krieg, chuyên gia tại Trường ĐH King London, lo ngại xung đột leo thang, đồng thời cảnh báo về nguy cơ Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng bị lôi kéo vào cuộc đối đầu.
Theo CNBC, giá dầu đã tăng lên ngay sau tuyên bố của Mỹ và Anh về cuộc tấn công vào lực lượng Houthi ở Yemen. Giá dầu Brent giao tương lai trong ngày 12-1 có lúc tăng 2,25%, lên 79,15 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ tăng 2,4% lên 73,75 USD/thùng".
Theo Công ty S&P Global Market Intelligence (Mỹ), việc các tàu container phải chuyển hướng từ kênh đào Suez sang con đường dài hơn vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi đang có tác động "lây lan toàn cầu".
Thương mại giữa châu Á và châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nhất. Giá cước cho một container 40 feet (hơn 12 m) đi từ Bắc Á sang châu Âu đã tăng hơn 600%, lên 6.000 USD, kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ vào tháng 10 năm ngoái.
Chi phí vận chuyển từ châu Á sang châu Mỹ cũng bị tác động đáng kể, với giá cước từ Bắc Á đến bờ Đông nước Mỹ tăng 137% lên mức 5.100 USD/container, trong khi từ Bắc Á đến bờ Tây nước Mỹ tăng 131% lên 3.700 USD/container trong cùng thời gian.
Theo các phân tích của Ngân hàng JPMorgan, cuộc chiến chống lạm phát có thể bị đình trệ trong các tháng tới nếu cước vận chuyển đẩy giá hàng hóa lên cao hơn nữa. Điều này có thể làm tiêu tan kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3, thay vào đó nhiều khả năng phải đợi tới giữa năm 2024 - theo JPMorgan.
Tuy vậy, ông Chris Rogers - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chuỗi cung ứng của S&P Global Market Intelligence - cho rằng giá tiêu dùng sẽ mất nhiều tháng để phản ứng với cước vận chuyển tăng.
Giá cước vận chuyển hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm rơi vào giữa đại dịch COVID-19 (tức tháng 9-2021), khi một container 40 feet có giá cước lên đến 18.000 USD. Chi phí vận chuyển thường chiếm khoảng 4%-5% giá hàng hóa, theo Giám đốc nghiên cứu cấp cao Mark Hopkins của Công ty Moody's Analytics (Mỹ).
Bình luận (0)