Đúng 7 giờ ngày 4-6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã bắn phát súng lệnh xuất phát hành trình lai dắt đốt hầm dìm Thủ Thiêm số 4 (cũng là đốt hầm cuối cùng của hầm vượt sông Sài Gòn) từ sông Lòng Tàu về khu vực Khánh Hội trên sông Sài Gòn, dài suốt 22 km đường sông.
Đốt khó lắp đặt nhất
Do con nước khá thuận lợi nên lúc 8 giờ 30 phút, đoàn lai dắt đã vượt qua mũi Đèn Đỏ an toàn. Đây là khúc cua nguy hiểm, có dòng nước rối nên đoàn lai dắt phải giảm tốc độ, từ từ “bò” qua đoạn cua hiểm hóc này và tiến dần vào khu vực cầu Phú Mỹ.
Lần này, nhiều người dân đã đứng chờ sẵn trên cầu với đầy đủ máy chụp hình, máy quay phim để chứng kiến và ghi lại những giây phút đoàn lai dắt đi qua cầu Phú Mỹ. Gần 11 giờ, đoàn lai dắt về đến cảng Vict và tiếp tục di chuyển về cảng Bến Nghé với tốc độ chậm vì khu vực này có dòng chảy mạnh và tuyến luồng hàng hải gần cầu cảng.
Vượt qua hai khu vực trên êm xuôi, 11 giờ 30 phút, đoàn lai dắt đã về đến khu vực Khánh Hội và bắt đầu cho đốt hầm quay đầu vuông góc với bờ sông Sài Gòn, mất khá nhiều thời gian. Lúc này trời bắt đầu đổ mưa nhẹ và có gió.
Đốt hầm đã về đến điểm lắp đặt và neo đậu ở khu vực Khánh Hội, quận 1
Sau những nỗ lực điều khiển cho đốt hầm nằm đúng vị trí, lúc 12 giờ 20 phút, đốt hầm đã được kéo sát và neo lại ở gần bờ sông phía cầu Khánh Hội. Như vậy đốt hầm số 4 đã được lai dắt về đích an toàn trong 5 giờ 20 phút. Nhận định về lần lai dắt và lắp đặt này, ông R. Manai, Giám đốc Oriental Consultants - đơn vị tư vấn giám sát của dự án đại lộ Đông Tây – cho biết đốt hầm số 4 là đốt khó lắp đặt nhất nên sẽ được các bên liên quan áp dụng kỹ thuật cao nhất để lắp đặt hoàn chỉnh.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây, đầu đốt hầm số 4 chỉ còn cách đầu đường dẫn phía Khánh Hội có 1,25 m. Đây là khoảng cách khá nhỏ hẹp nên việc di chuyển, xê dịch khi dìm hầm diễn ra rất khó khăn.
Ràng buộc rõ trách nhiệm
Dự kiến, đốt hầm số 4 sẽ được dìm vào hôm nay (5-6). Theo ông Phúc, một đầu đốt hầm sẽ được neo vào bờ phía quận 1, đầu còn lại được neo vào hai phao rùa nặng 170 tấn dưới đáy sông. Đốt số 4 sẽ được dìm từ từ, đi xuống theo phương thẳng đứng, khi đạt độ sâu yêu cầu sẽ được kéo sát vào đốt số 3. Sau khi dìm xong, một đầu đốt hầm nối với đốt hầm thứ 3, đầu còn lại cách đường dẫn phía Khánh Hội 1,25 m.
Về tình trạng những đốt hầm trước bị ẩm, thấm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cho biết: “Chúng tôi không xem thường cũng không cường điệu những thông tin trên và đã báo cáo lên Chính phủ, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước để kịp thời xử lý”.
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân khẳng định hợp đồng đã quy định rõ trách nhiệm của nhà thầu về thời gian bảo hành, bảo dưỡng và trùng tu hầm trong quá trình sử dụng chứ không phải xây xong hầm là hết trách nhiệm.
Tháng 9: Thông xe hầm Thủ Thiêm
Hầm dìm Thủ Thiêm (còn gọi là hầm vượt sông Sài Gòn) là điểm nhấn của dự án đại lộ Đông Tây và được xem là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Mỗi đốt hầm dìm Thủ Thiêm cao khoảng 9 m, rộng 33 m, dài 93 m, nặng 27.000 tấn.
Toàn bộ hầm vượt sông Sài Gòn dài 1.490 m, trong đó phần hầm dìm dài 370 m, một đầu nối với Thủ Thiêm (quận 2), một đầu nối với Khánh Hội (quận 1), có 6 làn xe.
Minh họa: HỒNG LOAN
Đến nay, dự án đại lộ Đông Tây đã hoàn thành đoạn đường 13 km từ huyện Bình Chánh đến cầu Calmette, hiện đang thi công hầm vượt sông Sài Gòn và đoạn đường từ hầm đến ngã ba Cát Lái.
Dự kiến, đến tháng 9-2010, Ban Quản lý dự án sẽ làm lễ thông hầm dìm Thủ Thiêm. Còn toàn tuyến đại lộ Đông Tây sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011. |
Bình luận (0)