Đến chiều 21-4, dù gia đình đã lo xong hậu sự cho bé trai Phạm Như Ý (10 tuổi, học sinh lớp 4 Trường Bình Hưng Hòa 2) nhưng trong căn nhà cấp 4 trên đường 5A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân - TPHCM, một màu tang tóc, đau buồn vẫn bao trùm.
Tột cùng nỗi đau
Phía bên phải của tường nhà, di ảnh Như Ý được đặt trên bàn thờ nghi ngút khói hương. Mẹ của em, bà Lê Thị Hồng (40 tuổi) như hóa điên trước cái chết đột ngột của con mình. Bà ngồi bệt trên nền nhà. Đã 2 ngày, bà không thể nuốt nổi hột cơm nào. Bà nghẹn ngào, nước mắt tuôn trào khi nhìn di ảnh của con trai: “Con ơi, con nói xin mẹ đi chơi chút rồi về phải không? Sao giờ con chưa về nhà? Lát nữa con về phải không con!”.
Ngồi bên bàn thờ của con, ông Phạm Hữu Nghị, đau đớn, chết lặng. Cầm nén nhang để cắm trên bàn thờ con mà tay của ông cứ run run. Ông nói trong nước mắt: “Tôi và vợ từ quê Hà Tĩnh vào Nam lập nghiệp năm 2002 rồi dành dụm tiền và vay mượn bà con mua lại mảnh đất này để cất nhà. Vợ chồng tôi có 3 người con trai, Như Ý là con út trong gia đình.
Chiều 19-4, Như Ý cùng 2 người bạn gần nhà rủ nhau ra khu vui chơi thiếu nhi cách nhà khoảng 200 m để xem trò chơi. Khi xem xong, các cháu ngồi hóng mát trên bờ hồ kế khu vui chơi. Chẳng may, con tôi và cháu trai tên Hiếu bị trượt chân té xuống hồ. Người bạn đi cùng lớn hơn thò chân xuống để Hiếu níu và trèo vào bờ. Do con tôi rớt xa và khu vực nước sâu nên bị chìm”.
Khi nghe mọi người hô hoán, ông Nghị cùng một người hàng xóm chạy ra “hồ tử thần” thì không thấy Như Ý đâu. Nhảy xuống nước lặn tìm nhưng họ vẫn không thấy. Bốn phút sau, Như Ý được người hàng xóm vớt lên nhưng em đã tắt thở.
Nhiều lần kiến nghị nhưng phớt lờ
Chiều 21-4, chúng tôi trở lại “hồ tử thần” nơi bé Như Ý tử nạn, trên bờ vẫn còn hoa quả, bát nhang và giấy đốt vàng mã bay khắp nơi mà gia đình vừa cầu “vong” cho em. Theo quan sát, “hồ tử thần” rộng hơn 1.000 m2 nhưng không được rào chắn, đặt biển cảnh báo. Trên bờ, đất đã bị sạt lở, rạn nứt.
Chỉ tay về nơi phát hiện thi thể con, ông Nghị đau buồn nói: “Nước ở đó rất sâu và đục, tôi phải lặn 2 hơi mà chưa tới đáy hồ. Người lớn rớt xuống cũng chết chứ đừng nói chi trẻ con”.
Anh Trương Văn Khương, người dân sống ở đây, bức xúc: Bảy năm trước, khu đất này bằng phẳng nhưng sau đó, một công ty tới mua lại rồi đào đất để bán, tạo nên “hồ tử thần”. Từ khi xuất hiện hồ này, có gần 10 trẻ nhỏ bị té xuống nhưng may mắn phát hiện kịp thời và cứu được. Riêng năm 2011, một bé trai ra bờ hồ ngồi chơi, bị trượt chân té xuống hồ chết đuối. Ngay sau khi xảy ra sự việc, người dân ở đây đã yêu cầu đơn vị chủ quản và chính quyền địa phương có biện pháp rào chắn xung quanh. Sau đó, đơn vị chủ quản tiến hành dựng hàng rào xung quanh “hồ tử thần” cho có lệ, chỉ vài tháng hàng rào đã ngã.
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Công ty Phát triển nhà quận 5 quản lý Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Duy Tân, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, cho biết chính quyền địa phương đã đến thăm gia đình nạn nhân và tìm hiểu diễn biến tình hình liên quan cái chết của em Như Ý. “Hồ nước này nằm trong khu đất dự án Khu Dân cư Vĩnh Lộc của Công ty Phát triển nhà quận 5. Chúng tôi sẽ làm việc với chủ đầu tư để làm rõ trách nhiệm cũng như yêu cầu có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống cạnh khu vực này”- ông Tân nói. Trước đây, khi xảy ra 2 vụ tai nạn làm chết 2 cháu bé cũng tại hồ nước trên, UBND phường Bình Hưng Hòa B đã từng đề nghị Công ty Phát triển nhà quận 5 san lấp hoặc rào chắn nhưng không ai thực hiện. “Họp giao ban đầu tuần này, chúng tôi sẽ rà soát lại để đề nghị họ chấn chỉnh kịp thời” - ông Tân khẳng định.
L.Quý |
Bình luận (0)