Bí ẩn sau những rừng tràm
“Anh cứ đợi chiều xuống thấy chỗ nào có khói bay lên thì tìm đến là... đụng liền”. Một công nhân từng làm việc cho một công ty xử lý chất thải nguy hại tiết lộ khi biết tôi có ý định truy tìm những bãi đốt, chôn lấp chất thải nguy hại trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Khói đen bay lên từ những "lò" đốt chất thải trong rừng tại phường Long Bình, TP Biên Hòa
Một lò đốt chất thải nguy hại tại tỉnh Đồng Nai
Những lò đốt lộ thiên
Chiều 4-7, sau khi đi sâu vào rừng tràm thuộc địa bàn phường Long Bình, chúng tôi phát hiện có nhiều cột khói đen bay lên cao và thoảng theo gió là mùi khét đặc thù của chất thải bị đốt cháy.
Lần theo con đường có vết bánh ô tô, chúng tôi phát hiện tại khu vực thuộc khu phố 7 (gọi là khu phố nhưng thực chất đây là khu rừng vắng, lác đác chỉ có vài nhà dân) có 3 hố chất thải đang cháy nghi ngút.
“Lò” đốt chất thải lớn nhất nằm sau một nhà máy chế biến vỏ cao su. Tại “lò” đốt này có một lán trại và khoảng 10 người, phần đông là thanh niên, đang phân loại chất thải ra để giữ lại những thứ có thể bán ve chai, còn lại đưa xuống hố đốt. Theo quan sát của chúng tôi, trong những đống chất thải ở đây có rất nhiều bột da (chất thải nguy hại).
Cách “lò” đốt chất thải này một đoạn, chúng tôi cũng phát hiện rất nhiều bột được chôn lấp. Một người dân ở đây cho biết vài ngày trước có một xe tải chở chất thải vào “lò” đốt nhưng bị lật ở đây nên họ lấp đất lên, chôn luôn. Chúng tôi còn phát hiện tại khu vực ấp Thiên Bình, xã Tam Phước, huyện Long Thành xuất hiện một “lò” đốt chất thải lộ thiên nằm trong rừng tràm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian ra đời của những “lò” đốt chất thải trên có sự trùng hợp với thời điểm bãi chất thải ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom bị buộc ngưng hoạt động sau khi Báo Người Lao Động ngày 18-6 có bài viết phản ánh.
Khu vực chôn bóng đèn tại bãi chất thải nguy hại ở xã Long An, huyện Long Thành, Đồng Nai
Một góc bãi chất thải nguy hại ở xã Long An, huyện Long Thành, Đồng Nai
Những bãi chất thải khổng lồ
Từ Quốc lộ 51 hướng Vũng Tàu – Đồng Nai, theo con đường đất đỏ vào hơn 10 km, chúng tôi phát hiện tại khu vực khai thác đá của Xí nghiệp Khai thác đá Hồng Phát (thuộc địa bàn xã Long An, huyện Long Thành) có một bãi chứa chất thải nguy hại khổng lồ.
Dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng chúng tôi cũng khiếp đảm khi nhìn thấy tại đây ngoài những chất thải độc hại như hóa chất, xút, bột thuộc da... còn có hàng đống bóng đèn, ống tiêm được đưa về đây chôn lấp.
Những đống bột thuộc da và những đống hóa chất đã bắt đầu phân hủy phát tán vào nguồn nước. Người dân ở đây cho biết bãi chất thải này đã hoạt động nhiều năm qua nhưng không bị xử lý và hiện vẫn còn đang hoạt động.
Một hố chôn chất thải trong rừng trên địa bàn huyện Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: TR.THANH
Một hố đốt chất thải trong rừng tại phường Long Bình, TP Biên Hòa
Tại Đồng Nai còn có rất nhiều bãi chôn chất thải nguy hại nhưng đã “đóng bãi”, rất ít người biết đến. Sau nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi cũng đã phát hiện tại rừng tràm huyện Long Thành (chưa xác định được thuộc địa bàn xã Tam Phước hay An Phước) có một khu vực chôn chất thải rộng mênh mông.
Ngoài số chất thải đã chôn lấp, tại đây còn hai hố chứa chất thải lớn, trong đó có rất nhiều hóa chất và bột thuộc da. Cũng tại đây, chúng tôi còn phát hiện dấu vết của khá nhiều miểng chai, cho thấy khả năng đây là khu vực chôn lấp bóng đèn với số lượng lớn.
Xem hình ảnh những bãi chất thải nguy hại được đưa vào rừng chôn lấp, một chủ doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai bất bình: “Chúng tôi bỏ ra rất nhiều tiền để đưa chất thải cho họ (công ty xử lý chất thải nguy hại-PV) xử lý vậy mà họ lại đưa đi chôn lấp. Nếu cơ quan chức năng không xử lý nghiêm việc này thì doanh nghiệp của chúng tôi bị lừa tiền, còn người dân thì gánh lấy ô nhiễm”.
Bột da tại bãi chất thải ở xã Long An, huyện Long Thành, Đồng Nai đã bắt đầu phân hủy, phát tán vào nguồn nước
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Cực kỳ nguy hại GS-TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường TPHCM, cho rằng việc chôn lấp hàng đống chất thải nguy hại như ở Đồng Nai là cực kỳ nguy hại cho môi trường. “Những chất thải nguy hại, đặc biệt là kim loại nặng và thủy ngân trong bóng đèn, bị chôn lấp sẽ phát tán gây ô nhiễm nguồn nước. Người dân uống phải nguồn nước ô nhiễm này sẽ rất dễ mắc bệnh ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác. Vì thế phải nhanh chóng đào những đống chất thải nguy hại này lên đưa đi xử lý hoặc lưu chứa an toàn”- GS-TS Lê Huy Bá nhấn mạnh. Về việc đốt chất thải lộ thiên, GS-TS Lê Huy Bá cũng cho biết là hết sức nguy hiểm vì khí thải của chúng rất độc hại. |
Kỳ tới: Phục kích xe đổ bậy
Bình luận (0)