“Không phải mất công theo dõi, phục kích để bắt các xe chở chất thải nguy hại đổ bậy, chỉ cần ngồi một chỗ theo dõi qua hệ thống định vị toàn cầu vẫn có thể biết được các xe chở chất thải đang đi đâu, về đâu...”. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại đã được Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TPHCM đề cập tại hội thảo sáng 20-8.
Không có công nghệ là bó tay
Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT TPHCM, cho biết hiện nay lực lượng thu gom chất thải nguy hại luôn tìm cách đổ bậy theo kiểu “du kích” để đối phó với cơ quan quản lý. Vì thế, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đang rất cấp thiết.
Ông Việt lý giải: Hiện nay, Sở TN-MT phải thực hiện đăng ký từ 12.000-14.000 sổ chủ nguồn thải cho các đơn vị phát sinh chất thải trên địa bàn TP. Thực tế cho thấy hiện nay ở TP có khoảng 9.000 cơ sở sản xuất nhỏ, trong một tháng, mỗi cơ sở sử dụng một cuốn chứng từ quản lý chất thải nguy hại.
Đối với các nhà máy lớn trong một tuần phải sử dụng một cuốn chứng từ, chưa kể chất thải phát sinh từ 200 cơ sở y tế phải tổ chức thu gom mỗi ngày. Do đó, nếu nhập số liệu bằng tay, mỗi năm, Sở TN-MT phải nhập trên 2 triệu chứng từ.
Do quản lý chưa chặt, nhiều đơn vị thu gom chất thải nguy hại rồi đổ bậy.
Trong ảnh: Một bãi đất ở phường Long Bình, quận 9-TPHCM đã trở thành điểm tập kết chất thải nguy hại trái phép trong thời gian dài
Nếu một người nhập được 200 chứng từ/ngày, phải cần trên 10.200 ngày công, tương đương ngày công làm việc của 40 người/năm. Đó là chưa tính đến số lượng cán bộ môi trường của Sở TN-MT, phòng TN-MT các quận, huyện, cảnh sát môi trường, ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP... với khoảng 300 người. Tuy nhiên, với lực lượng trên vẫn không thể theo dõi được các xe vận chuyển trên đường.
“Từ đó, có thể khẳng định trong điều kiện hiện nay, nếu không ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường (chất thải) thì hiệu quả sẽ rất thấp, nếu không muốn nói là không quản lý được”- ông Việt nhấn mạnh.
Bao giờ ứng dụng?
Thạc sĩ Lưu Đình Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm DITAGIS, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết đơn vị của ông đang thực hiện thử nghiệm mô hình thông tin địa lý (GIS) để theo dõi một số xe chở bùn hầm cầu và chất thải nguy hại bằng cách gắn thiết bị định vị GPS vào các xe này và theo dõi qua máy tính nối mạng.
Việc theo dõi vẫn tiến hành thuận lợi, chưa xảy ra trục trặc gì. Còn TS Bùi Tá Long, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TPHCM, đưa ra chương trình phần mềm H-WASTE để trợ giúp quản lý chất thải nguy hại cho TPHCM.
Theo TS Bùi Tá Long, phần mềm H-WASTE hướng đến các mục tiêu: Cung cấp thông tin hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc tổ chức lưu trữ và truy tìm dữ liệu liên quan đến chất thải nguy hại; giám sát thông tin về chủ nguồn thải, chủ phương tiện vận chuyển, chủ đơn vị xử lý trong quá trình lưu thông chất thải nguy hại bằng công nghệ thẻ điện tử. Ứng dụng công nghệ điện tử thay thế dần cho chứng từ giấy...
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ về tiến độ thực hiện các chương trình trên, ông Nguyễn Trung Việt cho biết Phòng Quản lý chất thải rắn đang triển khai phần mềm H-WASTE, áp dụng chứng từ điện tử cho các chủ nguồn thải, áp dụng thẻ điện tử và hệ thống định vị toàn cầu cho các chủ phương tiện vận chuyển đồng thời áp dụng hệ thống quan trắc từ xa cho các chủ nguồn thải, chủ phương tiện vận chuyển và chủ xử lý chất thải nguy hại.
Sau khi các nghiên cứu này hoàn thiện, sẽ xây dựng chương trình quản lý cho toàn TPHCM và phương án phối hợp với các tỉnh lân cận. Ước tính kinh phí thực hiện khoảng 40 tỉ - 50 tỉ đồng. Số tiền này có thể lấy từ vốn vay ưu đãi Quỹ Môi trường Việt
Bình luận (0)