xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vang vọng Gạc Ma

HOÀNG DŨNG – BÍCH VÂN

Các cựu binh Trường Sa bồi hồi quây quần bên nhau. Anh hùng Nguyễn Văn Lanh vòng qua nắm tay các cựu binh, xúc động thốt lên: “Cách đây 25 năm, chúng ta cũng từng làm nên những “vòng tròn bất tử” như thế này”...

Chiều 13-3, một số cựu binh từng tham gia chiến đấu chống quân Trung Quốc (TQ) trên con tàu HQ-604 lịch sử để bảo vệ đảo Gạc Ma và thân nhân liệt sĩ đã có dịp gặp gỡ tại buổi giao lưu trực tuyến Bi hùng hải chiến Trường Sa do Báo Người Lao Động tổ chức tại TP Đà Nẵng. Những câu chuyện bi tráng, những ký ức xúc động về thời khắc sinh tử ngày 14-3-1988 được tái hiện rõ nét như mới vừa xảy ra.

Xả thân giữ đảo

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh, người xả thân giữ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, nhớ lại: “Khi lên tàu HQ-604 nhận nhiệm vụ ra Gạc Ma, dù biết rằng rất nguy hiểm nhưng anh em ai cũng sẵn sàng. 5 giờ ngày 14-3-1988, tàu đến đảo Gạc Ma. Lúc này, phía TQ dùng ca nô đưa lính vào đảo tìm cách hạ cờ của ta. Tôi cùng 10 anh em được giao nhiệm vụ bơi vào đảo để giữ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Hai bên xảy ra cuộc giằng co quyết liệt”.
 
img
Phút bồi hồi, quyến luyến của các cựu binh và thân nhân liệt sĩ Trường Sa trước khi chia tay. Ảnh: QUỐC THẮNG
Nhiều bạn đọc đã đề nghị ông Lanh và các cựu binh kể lại thời khắc thiếu úy Trần Văn Phương hô vang: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ của Quân chủng Hải quân” trước khi hy  sinh. Ông Lanh cho biết Gạc Ma vốn là đảo chìm nên các chiến sĩ phải trầm mình dưới nước để cắm và giữ cờ. “Khi thiếu úy Trần Văn Phương ngã xuống, tôi vội vã bơi lại để giữ vững Quốc kỳ. Ngay lập tức, lính TQ tràn tới dùng lưỡi lê đâm tôi một nhát. Dù bị thương nhưng tôi vẫn gắng gượng dùng tay quật ngã một tên. Khi đó, tôi dính một lưỡi lê đâm lén từ phía sau và bị một phát đạn rồi ngã xuống” - ông Lanh nhớ lại.
img
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Anh hùng Nguyễn Văn Lanh xúc động kể lại hành động anh dũng của đồng đội là liệt sỹ Trần Văn Phương
Cựu binh Nguyễn Văn Thống, một trong những chiến sĩ bị thương nặng nhất, hồi tưởng: Lúc tàu chìm, tôi bị thương và rơi xuống biển. Nhìn thấy một miếng cao su trôi nổi, tôi vớ lấy thì phát hiện một bóng trắng lao theo sau. Té ra, do bị thương, máu ra nhiều nên thu hút cá mập. Tôi và cá mập vờn nhau một lúc, đến khi thương tích đầy mình, cá mập mới chịu giật miếng cao su và bỏ đi. Sau đó, tôi thấy chiến sĩ Đông bơi ngược chiều tới. Cả hai xác định trước sau gì cũng hy sinh. Sau đó, tàu TQ xuất hiện, chúng tôi bị bắt giữ. Tôi nhìn thấy vài đồng chí của mình bị trói ở ghế, sau đó lịm đi không biết gì nữa.
img
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Anh Thống kể lại những giây phút giành giựt đảo vào giành giựt sự sống

Anh Lê Văn Đông, 1 trong 9 chiến sĩ bị TQ bắt giữ trong trận đụng độ không cân sức, cho biết khi còn 1 tháng xuất ngũ, anh xin phép về quê cưới vợ đúng 1 ngày, rồi trở lại đơn vị lên tàu HQ-604 làm nhiệm vụ. Khi trôi dạt trên biển và gặp tàu TQ, anh vẫn còn sức khỏe nên quyết lặn dưới nước để trốn. “Mãi đến 18 giờ cùng ngày, khi sức lực đã cạn kiệt, tôi không thể trốn nổi nên bị tàu TQ bắt” - anh Đông nói. Hơn 3 năm sau, anh Thống, anh Đông mới được trao trả về Việt Nam.

Gian nan ngày về

Tại buổi giao lưu, bạn đọc Báo Người Lao Động đã đặt nhiều câu hỏi với các cựu binh về những tháng ngày bị TQ giam cầm. Theo anh Lê Văn Đông, đó là những ngày tháng vô cùng gian khổ vì vừa bị đánh đập vừa bị cách ly với đồng đội. “Khi chúng tôi mới được đưa sang TQ đã bị bắt nhốt mỗi người một phòng, không được thấy đồng đội trong hơn 1 năm. Sau đó, chúng tôi được mở cửa phòng ra và gặp nhau nhưng không được trò chuyện” - anh Đông nghẹn ngào. Các anh còn cho biết mỗi khi ăn uống, vệ sinh cũng bị lính TQ lùa đi, canh chừng  nghiêm ngặt và không cho tiếp xúc với ai.

“Trước khi đi ra đảo, tôi đã lường trước việc mình sẽ hy sinh. Vì vậy, tôi đã nói điều này cho người vợ mới cưới được 1 ngày yên lòng. Dù có ra đi hay trở về, tôi cũng phải làm tròn nhiệm vụ của một người lính hải quân” - anh Đông quả quyết. Thế rồi, anh Đông ra đảo và bị TQ bắt giam biền biệt. Gia đình ở nhà đã lập bàn thờ cho anh vì nghĩ rằng người thân của mình đã hy sinh. Không ai nghĩ rằng sau hơn 3 năm bị giam cầm, những cựu binh này còn được trở về với gia đình trong phút giây vỡ òa hạnh phúc.

 Hiện nay, gia cảnh cựu binh Mai Xuân Hải rất khó khăn. Anh Hải vốn bị thương trong trận chiến, lại bị giam cầm lâu ngày nên mỗi năm đi bệnh viện đến 7 - 8 lần. “Bản thân tôi chỉ ở nhà và sống dựa vào vợ. Tôi chưa được hưởng bất cứ chế độ chính sách nào ở địa phương. Trước đây, tôi đã làm thủ tục giấy tờ để được hưởng chế độ nhưng vẫn chưa được” - anh Hải tâm sự.

Còn mãi ký ức Trường Sa

Một trong những cựu binh trở về từ Trường Sa đến với buổi giao lưu là ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban Liên lạc cựu binh Trường Sa tại Đà Nẵng. Sau khi trở về, ông Tấn đã lăn lộn mưu sinh và thành lập ban liên lạc cựu binh Trường Sa để các đồng đội có dịp gặp mặt, đồng thời giúp đỡ gia đình các cựu binh có hoàn cảnh khó khăn. “Thế hệ trẻ nên nhìn vào  tấm gương của những người lính đảo đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc để sống tốt hơn và xây dựng đất nước phát triển” - ông Tấn mong mỏi. 

Mất người con trai là liệt sĩ Lê Văn Sanh nhưng tại buổi giao lưu, ông Lê Văn Xuân khẳng định vẫn sẽ đồng ý cho con gia nhập hải quân mặc dù biết có thể không có ngày về. “Tôi chỉ có một mình Sanh hy sinh trong khi nhiều gia đình khác có nhiều người con hy sinh. Con trai tôi ra đi vì đất nước, vì biển đảo thì rất đáng tự hào” - ông Xuân bày tỏ.

Kết thúc buổi giao lưu, trước khi chia tay, các cựu binh Trường Sa đã bồi hồi quây quần bên nhau bởi không biết ngày nào mới gặp lại. Anh hùng Nguyễn Văn Lanh vòng qua nắm tay cựu binh Mai Xuân Hải và những người khác, xúc động thốt lên: “Cách đây 25 năm, chúng ta cũng từng làm nên những “vòng tay bất tử” như thế này trên đảo Gạc Ma để bảo vệ cờ Tổ quốc”. Các cựu binh đều lặng đi, xúc động và siết chặt tay nhau.

Con mãi bên mẹ

Nước mắt đã rơi trong buổi giao lưu khi bà Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự, mân mê tấm áo hải quân - kỷ vật còn sót lại của con trai, đã được đồng đội mang về sau khi anh hy sinh. Gần 25 năm qua, chiếc áo ấy là tài sản quý giá của cuộc đời bà. “Vì muốn con trai luôn ở bên mình nên tôi đã quyết định cắt tấm áo hải quân để may thành tấm áo cánh này” - bà Muộn bộc bạch.
 
img
Anh hùng Nguyễn Văn Lanh (phải) và thượng tá Hoàng Hoan mặc chiếc áo kỷ vật cho bà Lê Thị Muộn. Ảnh: HOÀNG DŨNG
 
Xúc động trào dâng, các cựu binh ùa lại cùng mặc chiếc áo kỷ vật cho người mẹ già. Bà Muộn cho biết: Với bà, nỗi đau mất con chưa bao giờ nguôi ngoai bởi khi anh Sự hy sinh cũng là lúc chồng bà qua đời. Cho đến bây giờ, mỗi ngày, bà vẫn tự an ủi nỗi đau đó bằng cách nghĩ con trai đã ra đi vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo