Tôi là một trong số ít nhà báo may mắn tham dự nhiều Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" của Báo Người Lao Động. Trên dải đất hẹp miền Trung từ Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị, cứ mỗi lần nhìn thấy các ngư dân miền biển hay các chiến sĩ biên phòng, người dân sống vùng biên giới nhận cờ Tổ quốc thì cảm xúc cứ lâng lâng bởi tôi và họ đều hiểu rằng lá cờ đỏ sao vàng tươi thắm chính là biểu tượng thiêng liêng, niềm tự hào của Tổ quốc
Lên non - xuống biển
Đến với miền biển Quảng Bình, chúng tôi được chứng kiến những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đen sạm và ánh mắt đầy hy vọng của ngư dân làng chài khi nhận lá cờ Tổ quốc. Việc đầu tiên họ làm là lên ngay con tàu của mình để thay lá cờ mới bởi họ hiểu rằng lá cờ không chỉ là biểu tượng của đất nước mà còn là niềm tin, niềm tự hào và sự gắn bó với biển cả.
Tôi vẫn nhớ như in câu nói của ngư dân Lê Trung Lợi ở làng chài ven biển xã Quang Phú, TP Đồng Hới khi nhận cờ Tổ quốc từ Báo Người Lao Động trao tặng tại Quảng Bình trong tháng 3-2022: "Thấy cờ là thấy hồn thiêng của Tổ quốc. Trên hành trình biển cả mênh mông, nhìn thấy lá cờ tung bay, chúng tôi như cảm thấy có thêm sức mạnh để "chiến đấu" với biển cả và chính lá cờ là niềm tự hào, là sức mạnh, là động lực… để chúng tôi quyết tâm vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc".
Những chuyến đi biên cương mây ngàn Quảng Bình trao cờ Tổ quốc cũng để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc đáng nhớ đối với bản thân một nhà báo như tôi. Hôm ấy là một ngày mưa tầm tã, chúng tôi phải vượt hơn 180 km từ TP Đồng Hới để ngược lên biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.
Tuyến đường độc đạo 20 - Quyết Thắng rợp bóng cây rừng, chằng chịt những khúc cua hiểm hóc, trắc trở vẫn không ngăn được chúng tôi đến với bà con dân bản. Nhớ lại lịch sử mở đường hơn nửa thế kỷ trước, trong tôi dâng lên niềm cảm xúc khó tả vì mỗi mét đất đá trên mỗi cây số đường đều khét mùi bom đạn, trộn lẫn mồ hôi, máu và nước mắt với đầy ắp những hy sinh không sao diễn tả hết của quân dân ta thời kháng Mỹ.
Hàng loạt địa danh trên tuyến này đã trở thành trọng điểm, trong đó trọng điểm ATP (gồm: Cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) được coi là "trọng điểm của trọng điểm" bởi sức đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Nhiều chiến sĩ, thanh niên xung phong (TNXP), công dân hỏa tuyến đã anh dũng ngã xuống trên tuyến này.
Khi đến Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn - chỉ cách biên giới nước bạn Lào vài km đường rừng, chúng tôi đã gặp những người đồng bào dân tộc A Rem và Ma Coong với những khuôn mặt đen sám, gầy nhòm sống chênh vênh bên những căn nhà sàn đơn sơ. Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân đã trao tận tay ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc cho bà con đồng bào dân tộc và cán bộ chiến sĩ biên phòng khiến họ vui mừng khôn xiết.
Già làng Đinh Ho (74 tuổi, một người có uy tín ở Bản Km 61) khi ấy không giấu được sự xúc động và niềm tự hào khi nhận cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ. Ông trang trọng ngắm chân dung của Bác Hồ rồi từ tốn treo cao lên gian chính của căn nhà gỗ đơn sơ. Điều này làm chúng tôi cảm nhận những lá cờ Tổ quốc được trao tặng như một lời tri ân, khích lệ và động viên tinh thần cho những con người kiên cường nơi biên giới.
Biên cương rợp bóng cờ
Tôi nhớ mãi những kỷ niệm đẹp vào một ngày đông giá rét cuối năm 2021, khi cùng đoàn công tác Văn phòng đại diện khu vực miền Trung của Báo Người Lao Động lên đường đến vùng biên giới Hà Tĩnh để trao cờ Tổ quốc cho bộ đội biên phòng và bà con vùng biên giới nơi đây. Chúng tôi đã vượt gần 50km những con đường núi quanh co để đến được cột mốc 476 ở Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn). Trên đường đi, lòng tôi không khỏi hồi hộp vì tuyến đường đèo đầy cheo leo với những khúc cua hiểm trở.
Đến nơi, khung cảnh biên giới hiện ra trước mắt thật hùng vĩ với rừng núi bạt ngàn với cột mốc sừng sững. Các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trong bộ quân hàm xanh với gương mặt rám nắng, nụ cười tươi tắn chào đón đã xóa tan những lo lắng trên chặng đường đầy trắc trở, gian nan khi đặt chân đến vùng biên.
Đại diện Báo Người Lao Động trao ảnh Bác Hồ cùng 1.000 lá cờ Tổ quốc cho các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cùng bà con đồng bào biên giới tại Cột mốc 476. Lúc đó ánh mắt họ sáng lên, lấp lánh niềm vui. Họ trân trọng nhận ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc rồi cẩn thận treo lên những cột cờ bên cạnh cột mốc biên giới.
Và chỉ sau 30 phút, những lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong làn gió biên cương Hà Tĩnh trên một cung đường dài quanh Cửa khẩu Cầu Treo tạo nên khung cảnh rất đẹp nơi núi rừng bạt ngàn, xanh thẳm. Những lá cờ ấy không chỉ làm nổi bật hình ảnh núi rừng mà còn tượng trưng cho lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của dân tộc khiến ai chứng kiến cũng trào dâng niềm xúc động.
Lá cờ bay phấp phới trong gió như là lời nhắc nhở về sự hy sinh và cống hiến của các chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất quê hương. Mỗi khi gió thổi qua, những lá cờ lại vẫy chào, như đang kể cho tôi nghe những câu chuyện về lòng dũng cảm và sự kiên cường của những chiến sĩ đang công tác nơi đây.
Khoảnh khắc ấy, những cảm xúc đẹp đẽ ấy sẽ mãi mãi in đậm trong tâm trí tôi.
Cồn Cỏ: "Đảo nhỏ canh biển lớn"
Chuyến đi đến đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị hồi tháng 3-2023 cũng đã để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp sâu sắc. Chuyến đi có sự tham dự của Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đang là Chủ tịch danh dự Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" và Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cùng đoàn công tác tỉnh Quảng Trị.
Từ bến Cửa Tùng huyện Vĩnh Linh nhìn ra phía Đông thấy thấp thoáng một hòn đảo nhỏ, đó chính là Cồn Cỏ.
Trước khi ra đảo, tôi được nghe kể rằng Cồn Cỏ là một hòn đảo anh hùng đã để lại nhiều dấu tích lịch sử, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bộ đội Cồn Cỏ đã đánh hơn 1.000 trận, bắn cháy 48 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến của Mỹ. Dù khói lửa chiến tranh đã ngưng hơn 4 thập kỷ nhưng trong lòng quân dân nơi đây vẫn chói ngời "ngôi sao lửa" và ý chí quật cường. Và hôm nay, mơ ước đặt chân đến Cồn Cỏ đã thành hiện thực, càng ý nghĩa hơn là chúng tôi cùng đoàn công tác mang cờ Tổ quốc và nhiều phần quà trao tận tay bà con tại đảo và các cán bộ, chiến sĩ biên phòng.
Chỉ với diện tích 2,5 km2 nhưng đảo Cồn Cỏ án ngữ phần bờ biển Trung Bộ, gần với các tuyến đường hàng hải trong và ngoài nước nên có vai trò quan trọng trong phòng thủ, bảo vệ an ninh, quốc phòng. Nhìn bao quát, đảo Cồn Cỏ như một chiến hạm nằm giữa trùng khơi quanh năm dập dìu sóng vỗ.
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ trao cờ hòa cùng tiếng sóng biển rì rào tạo nên một khung cảnh xúc động khó tả ngay tại Cột cờ của đảo Cồn Cỏ, những lá cờ được trao tận tay các ngư dân và cán bộ chiến sĩ biên phòng.
Tiếp đó, hình ảnh những chiếc tàu cá lướt sóng, mang trên mình lá cờ đỏ sao vàng phấp phới giữa biển khơi là một biểu tượng đầy tự hào và xúc động. Đối với ngư dân trên đảo, lá cờ Tổ quốc không chỉ là một dấu hiệu nhận diện mà còn là niềm tin và hy vọng. Họ cảm thấy mình được bảo vệ và tiếp thêm sức mạnh để đối mặt với những thử thách của biển cả.
Trong chuyến đi này, chúng tôi không chỉ trao cờ mà còn có cơ hội lắng nghe những câu chuyện, những kỷ niệm của người dân và cán bộ chiến sĩ biên phòng trên đảo. Xế chiều, dưới ánh đèn mờ ảo, những lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió biển càng thêm lung linh và thiêng liêng. Các cán bộ, chiến sĩ và người dân cùng nhau hát vang những bài ca về Tổ quốc, tạo nên một không khí đoàn kết, gắn bó. Những khoảnh khắc này không chỉ là kỷ niệm đẹp mà còn là động lực giúp họ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Kết thúc chuyến công tác tại đảo Cồn Cỏ, ông Trương Hòa Bình đã không giấu nỗi xúc động cảm tác lên 2 câu thơ: "Tiền tiêu đảo nhỏ canh biển lớn/Cồn Cỏ anh hùng trải lá gan"… Và chúng tôi tin rằng, những chuyến đi trao cờ Tổ quốc của Báo Người Lao Động không chỉ là những hoạt động ý nghĩa mà còn là lời khẳng định về tình yêu và trách nhiệm đối với đất nước.
Mỗi lá cờ Tổ quốc được trao đi, tinh thần yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn, những lá cờ đỏ sao vàng sẽ tiếp tục tung bay trên biển khơi, trên miền biên cương, trên khắp đất nước mang theo niềm tin, hy vọng và góp phần xây dựng một Việt Nam vững mạnh và phồn vinh.
Bình luận (0)