xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tự hào Sa Vĩ

Bài và ảnh: VƯƠNG LỘC

Tới nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên tấm bản đồ Việt Nam - điểm cực Đông Bắc Sa Vĩ - trong tôi luôn cảm thấy tự hào, có gì đó rất đỗi thiêng liêng

Cho đến bây giờ, tôi vẫn ấn tượng về chuyến đi đến cực Đông Bắc của Tổ quốc, cũng là nơi đặt nét bút đầu tiên vẽ tấm bản đồ Việt Nam hình chữ S thân thương. Đó chính là dải đá Cồn Mang của Mũi Sa Vĩ thuộc phường Trà Cổ, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Mũi Sa Vĩ - nơi phên giậu của Tổ quốc

Mũi Sa Vĩ - nơi phên giậu của Tổ quốc

Vào khoảng thời gian giữa năm 2023, tôi có chuyến công tác thực địa đi các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ, trong đó có Quảng Ninh. Móng Cái là thành phố xa nhất của tỉnh lị này tôi đặt chân đến, sau Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và Đông Triều. Móng Cái cũng là nơi phên giậu của Tổ quốc, giáp ranh và có đường biên giới, cửa khẩu nối liền Trung Quốc.

Đến Móng Cái, bạn không thể không ghé thăm Mũi Sa Vĩ - nơi địa đầu Tổ quốc. Nơi đây đã được nhắc đến trong bài thơ nổi tiếng "Vui thế hôm nay" của nhà thơ Tố Hữu: "… Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước…". Tại đây có cột mốc số 0 - Tràng Vĩ, đánh dấu mốc đầu tiên về lộ trình Bắc Nam theo đường biển dài 3.260 km.

Có nhiều người khi đến đây thắc mắc về cái tên Sa Vĩ. Theo lý giải, đó là vì mỗi khi thủy triều xuống, khu vực này nổi lên một doi cát dài uốn lượn, trông như đuôi rồng. Tại đây có cắm cột mốc phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Khi nước dâng lên, cột mốc đó trở thành hòn đảo nhỏ như một biểu trưng cho cột mốc biên giới trên biển thể hiện rõ ràng về ranh giới hai bên.

Những cột mốc tại Sa Vĩ, Móng Cái

Những cột mốc tại Sa Vĩ, Móng Cái

Xuyên suốt chiều dài địa lý Việt Nam, từ Bắc đến Nam, đó là một dải nối liền trọn vẹn, liền mạch, không bao giờ chia cắt, tách rời. Đó cũng chính là khát vọng của dân tộc về sự thống nhất nối liền trọn vẹn từ Bắc chí Nam như tư tưởng trong những năm tháng chiến đấu vệ quốc của dân tộc ta. Trong thời đại hòa bình và phát triển, sự thống nhất tiếp tục được phát huy, mọi tầng lớp nhân dân đều luôn khắc ghi điều đó, tinh thần thông suốt như từ mũi Sa Vĩ - Quảng Ninh đến Đất Mũi - Cà Mau.

Cảm giác trong tôi buổi chiều hôm đó tới thăm Sa Vĩ đến nay vẫn còn vẹn nguyên. Những ngày tháng 3 đó, hoa phong linh nhuộm vàng từng góc phố, con đường xuyên qua những đại lộ. Từ đất liền vươn tầm mắt nhìn ra cửa sông Bắc Luân - con sông đổ ra biển nhìn ra hòn Dậu Gót (1/3 hòn thuộc Việt Nam), phía đối diện chính là Trung Quốc, khung cảnh hiện ra tráng lệ, nên thơ với những con tàu chở hàng nối đuôi nhau cập bến, trên bộ là từng đoàn xe tới cửa khẩu để hàng hóa được vận chuyển sang bên kia biên giới và ngược lại.

Là vùng giáp ranh nên đi trong TP Móng Cái, không khó để chúng ta bắt gặp những biển hiệu của nhà hàng, cơ sở kinh doanh, điểm vui chơi có ghi thêm tiếng Trung Quốc nhỏ phía dưới, ở trên là tiếng Việt. Người Trung Quốc sang Móng Cái thường vào sâu trong tỉnh Quảng Ninh để làm ăn, kinh doanh, buôn bán rất nhiều. Một chiều đi tản bộ trong TP Móng Cái, tôi thấy có cả những tòa nhà casino nằm trong những khách sạn tọa lạc gần với bưu điện. Mải ngắm nhìn và chiêm ngưỡng, bối cảnh nơi đây cho tôi cảm giác như đang lạc sang xứ Hồng Kông - Trung Quốc hay một điểm dừng chân nào đó tại Macau - Trung Quốc…

Nhiều nhà hàng, khách sạn phục vụ người dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, thể hiện sự giao thương nhộn nhịp của TP Móng Cái

Nhiều nhà hàng, khách sạn phục vụ người dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, thể hiện sự giao thương nhộn nhịp của TP Móng Cái

Không khí ở thành phố vùng biên này vô cùng náo nhiệt, sôi động. Mọi người sẽ cảm nhận rõ hơn điều này khi tham gia các phiên chợ vào buổi tối tại Móng Cái. Bên trong các khu chợ có nhiều hàng quán, món ăn được chế biến theo phong cách ẩm thực cả Trung Quốc lẫn Việt Nam vô cùng thú vị. Đó là chưa kể các mặt hàng tiêu dùng phổ biến, thiết yếu trong đời sống hằng ngày của hai nước cũng được bày bán khắp nơi, người dân thoải mái lựa chọn mua sắm, trải nghiệm.

Tất nhiên, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn tạo mọi điều kiện để các thương gia nước ngoài mở rộng kinh doanh, phát triển kinh tế, cung ứng việc làm tại Việt Nam song đi cùng với đó, chính sách quản lý trật tự, bảo đảm an ninh và cơ chế kiểm soát vẫn được duy trì để làm sao đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia, cho cả phía chủ đầu tư và người lao động địa phương. Tôi có dịp được trò chuyện với một cán bộ phòng chính sách, phát triển của TP Móng Cái và vị này cũng khẳng định rõ ràng quan điểm đó. Gần như người dân rất đồng thuận với cơ chế này và tin vào cung cách quản lý của cơ quan chức năng địa phương.

Rời Móng Cái trong một chiều tối muộn để kịp lên đường trở về Hà Nội, lòng tôi vẫn còn nhiều quyến luyến với vùng đất này. Vùng đất Trà Cổ và Sa Vĩ tôi chưa đi hết; những món ẩm thực người Hoa và cả Việt Nam trong khu chợ tôi chưa được nếm thử nhiều; chương trình giao lưu văn nghệ giữa hai nước mỗi tối tôi cũng chưa có dịp ghé xem được lâu… Đó là những gì làm tôi lưu luyến vùng biên giới thật đặc biệt với nhiều điều lý thú trong quá trình khám phá Việt Nam.

Và có lẽ, tới nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên tấm bản đồ Việt Nam - điểm cực Đông Bắc Sa Vĩ - trong tôi luôn cảm thấy tự hào, có gì đó rất đỗi thiêng liêng, trân trọng trong lòng sau chuyến đi đó.

Từng cột mốc cả trên đất liền lẫn trên biển đều thể hiện sự độc lập, chủ quyền và phân định rõ ràng về địa lý mỗi quốc gia, bên cạnh đó, sự giao thoa về văn hóa, kinh tế, ẩm thực chính là động lực cho sự phát triển của hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc. 

Ngày nay, không chỉ có Móng Cái, nhiều địa phương biên giới phía Bắc cũng luôn đóng vai trò quan trọng là phên giậu của đất nước, ngày đêm khẳng định chủ quyền, giữ gìn an ninh quốc phòng, ổn định và hòa bình cho mỗi quốc gia để cùng tiến bộ đi lên.

Mời bạn đọc tham gia 2 cuộc thi

Tại lễ trao giải cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 4 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 3, năm 2023-2024, nhân lễ kỷ niệm 5 năm thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", diễn ra ngày 2-7, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 5 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 4, năm 2024-2025.

Báo Người Lao Động mời bạn đọc là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam tham gia viết bài, gửi ảnh dự thi. Thời hạn phát động, nhận bài và ảnh dự thi, tính từ ngày 2-7-2024 đến 31-5-2025. Bạn đọc quét mã QR hoặc truy cập https://nld.com.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-va-cuoc-thi-anh-thieng-lieng-co-to-quoc-196240701163723125.htm để xem chi tiết về điều kiện, thể lệ của 2 cuộc thi.

Tự hào Sa Vĩ- Ảnh 4.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo