Suốt đời mình, nhà sinh học phân tử Elizabeth (Liz) Blackburn, năm nay 61 tuổi, đấu tranh chống sự lão hóa và tìm cách điều trị ung thư. Nằm trong danh sách “100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới” do tuần báo Mỹ Time bầu chọn năm 2007, bà Blackburn cùng với đồng nghiệp (cũng là học trò) Carol Greider là tác giả của một trong những khám phá lớn nhất của thời đại chúng ta. Họ là những người đầu tiên phát hiện telomerase, một enzim (nhóm hợp chất hữu cơ) giữ cho các nhiễm sắc thể không bị lão hóa. Nói cách khác, telomerase có thể kéo dài tuổi thanh xuân của chúng ta và chống lại các bệnh ung thư.
Tiến sĩ sinh học phân tử Elizabeth Blackburn. Ảnh: UCSF
Chống lại định kiến
Chính khám phá nói trên và những công trình khoa học tiếp theo về telomerase đã đem lại giải thưởng Nobel Y học 2009 – giải thưởng thứ 100 kể từ năm 1901 - cho bộ ba Liz Blackburn, Carol Greider và Jack Szostak. Cả ba đều là người Mỹ, riêng bà Blackburn là người Úc mới nhập quốc tịch Mỹ, một sự khác biệt lớn nếu xét tới cuộc đời, sự nghiệp và tính cách của nhà sinh học phân tử này.
Elizabeth H. Blackburn sinh ngày 26-11-1948 tại thành phố Hobart, bang Tasmania, Úc, trong một gia đình có 7 anh chị em. Cha mẹ của bà đều là bác sĩ. Từ nhỏ, bà say mê khoa học và muông thú. Bà muốn tìm hiểu các sinh vật sống như thế nào, khám phá bí mật cuộc sống. Thử thách đầu tiên đối với bà là rất nhiều người chung quanh nói con gái ngoan không bao giờ theo nghề khoa học. Bà đã làm điều ngược lại và đó là một tính cách đặc biệt của bà, theo nhận xét của ông Peter Doherty, Giải Nobel Y học 1996. “Blackburn là một phụ nữ chân đạp đất, đầu đội phòng thí nghiệm”- Doherty nhấn mạnh.
Sau khi bà tốt nghiệp tú tài ở Trường Broadland House, cả gia đình chuyển đến Melbourne, bang Victoria. Tại đây, bà vào Trường Đại học Melbourne và ra trường với hai bằng cử nhân và thạc sĩ khoa học. Thông báo của nhà trường cho biết: “Blackburn là một sinh viên vui vẻ, thích mạo hiểm. Em đàn dương cầm, thích cắm trại, biết quan tâm đến người khác, biết tổ chức tốt việc học hành, không bao giờ học đến khuya”.
Frank Hurd, một giáo sư ở Melbourne, khuyến khích Blackburn học tiếp ở Trường Đại học Cambridge (Anh). Tại đây, Blackburn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của thầy Fred Sanger (Giải Nobel Hóa học 1980).
Trong thời gian công tác tại phòng thí nghiệm của thầy Sanger, Blackburn hẹn hò với nghiên cứu sinh tiến sĩ sinh hóa John Sedat. Sau đó, hai người tổ chức đám cưới năm 1975. Cưới xong, hai người đến Trường Đại học Yale nghiên cứu về sinh học phân tử và tế bào 2 năm. Tại đây, những nghiên cứu của bà về telomerase thu hút sự chú ý của giới chuyên môn.
Năm 1978, vợ chồng Blackburn đến California sinh sống. Blackburn công tác tại phân khoa sinh học phân tử Trường Đại học California, Berkeley. Tại đây, ngày Giáng sinh năm 1984, bà và cô học trò 23 tuổi Carol Greider phát hiện enzim telomerase làm rúng động cộng đồng khoa học Mỹ và quốc tế.
Năm 1990, bà được mời về khoa vi sinh và dịch tễ học cơ sở San Francisco của nhà trường (UCSF) với lời hứa cung cấp thiết bị tối tân nhất và làm việc với một nhóm nghiên cứu “xịn” nhất của nhà trường. Bà trở thành trưởng khoa này từ 1993 đến 1999.
Hiện nay, bà Blackburn vẫn công tác tại UCSF, dạy môn sinh học và sinh lý học. Bà cũng là hội viên danh dự Viện Nghiên cứu sinh học Salk Institute, Chủ tịch Hội Nghiên cứu ung thư Mỹ.Từ kinh nghiệm bản thân, bà khuyến khích cả trai lẫn gái theo con đường khoa học. Bà Blackburn có một đứa con trai đang học ngành công nghệ thông tin tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Chống tổng thống Bush
Kể từ ngày phát hiện telomerase, bà Blackburn trở thành một siêu sao khoa học. Công trình nghiên cứu ung thư của bà được những người trong giới theo dõi sát sao. Nhưng phòng thí nghiệm của bà không đem lại tiếng tăm cho bà bằng sự kiện sau đây mà cộng đồng khoa học Mỹ ai cũng biết.
Năm 2001, sau sự kiện 11-9, bà được chính phủ ông Bush bổ nhiệm vào Hội đồng Y đức của tổng thống. Trong hội đồng bà vẫn thế, một phụ nữ có nụ cười dễ mến, một tấm lòng nhân hậu. Trong chuyên môn, bà ủng hộ việc nghiên cứu tế bào mầm phôi thai người và nhân bản theo phương pháp sinh sản vô tính nhằm mục đích chữa bệnh. Với tư cách là ủy viên hội đồng, trong 2 năm liền, bà đấu tranh không khoan nhượng với các ủy viên bảo thủ khác. Tổng thống Bush chống lại việc nghiên cứu tế bào mầm. Thế là đầu năm 2004, bà đã bị cách chức cố vấn y đức của Nhà Trắng.
Sự kiện siêu sao Blackburn bị đuổi ra khỏi Hội đồng Y đức của tổng thống vì dám chống lại quan điểm y đức quá bảo thủ của ông Bush đã dấy lên nột làn sóng phản đối mạnh mẽ. 170 nhà nghiên cứu ký tên vào một lá thư ngỏ phản đối cách đối xử của ông Bush với bà Blackburn. Hội Sinh học tế bào Mỹ đại diện cho 11.000 hội viên khắp thế giới trách cứ Nhà Trắng dùng chính trị để trị các nhà khoa học.
Bà Blackburn tiếp nhận sự việc một cách thanh thản: “Thật lạ, nhiều người nói với tôi rằng “thật là buồn khi biết bà mất việc”. Tôi trả lời: “Tôi đâu có thất nghiệp, tôi vẫn làm nghiên cứu. Lúc đó, tôi mới biết một điều: Đôi khi khoa học bị chi phối bởi những chuyện không dính dáng gì đến khoa học. Nghiên cứu khoa học, theo định nghĩa, nhằm tìm kiếm sự thật. Nhưng tôi có cảm giác rằng nó đang bị chính trị hóa”.
Sau khi nghe tin bà Blackburn được trao Giải Nobel Y học, bà Susan Desmond-Hellmann, Hiệu trưởng Trường UCSF, nhận xét: “Không ai xứng đáng hơn bà ấy bởi vì đó là một nhà khoa học tuyệt vời, một phụ nữ tuyệt vời”. Blackburn là phụ nữ Úc đầu tiên nhận được Giải Nobel Y học.
Kỳ tới: Ada Yonath, “cô gái điên” trong làng
Bình luận (0)