xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nelson Mandela: Công dân toàn cầu

NGÔ SINH

Nhân vật huyền thoại có sức thu hút toàn cầu này đã đoạt hơn 250 giải thưởng

Cả thế giới đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela kể từ mùa đông 2011 khi ông nhập viện vì nhiễm trùng đường hô hấp. Khi bệnh tình của ông trở nặng trong tháng 6 năm nay, cộng đồng thế giới đã cầu nguyện cho ông. Đối với hàng triệu người khắp thế giới, Mandela thực sự là một công dân toàn cầu. Ông được nhiều người yêu mến, thần tượng hóa và kính trọng.

Hiện thân của sự vĩ đại

Cộng đồng quốc tế đã biết đến một số chính khách xuất chúng cũng như một số con người thực sự vĩ đại. Thế nhưng, thật hiếm có những vị là hiện thân của sự vĩ đại như Nelson Mandela. Theo tuần báo Punch, tính chất vĩ đại của ông được thể hiện trong suốt cuộc đời, kể cả 27 năm bị cầm tù. Thoạt đầu, ông bị giam cầm tại nhà tù Marshall Square ở Johannesburg, sau đó được chuyển đến Pretoria rồi lại được đưa đến Robben Island (nơi ông trải qua 18 năm). Mandela đã được chuyển đến nhà tù Pollsmoor ở Cape Town cùng với những nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid: Raymond Mhlaba, Walter Sisulu, Ahmed Kathrada và Andrew Mlangeni. Thế rồi, ông lại được chuyển sang nhà tù Victor Verster năm 1988 và được trả tự do ngày 11-2-1990.
img
Nelson Mandela được nhiều người khắp thế giới yêu mến Ảnh: OFFICIAL COLLEGE LIFE

Khi ở trong tù, bệnh lao đã hành hạ 2 lá phổi của ông. Ngoài ra, ông còn bị sỏi mật. Thế nhưng, trải qua tất cả mọi nỗi gian truân, ông vẫn không nao núng, không khuất phục và không suy sụp. 27 năm ngồi tù là một thời gian quá dài đối với bất cứ ai và càng kinh khủng hơn với người không có những phẩm chất không khuất phục và không suy sụp. Thực ra, chẳng người nào lâm vào cảnh lao tù lâu dài và tàn bạo như vậy lại chẳng cảm thấy cay đắng và hận thù. Mandela không như vậy. Ông tâm sự: “Khi bước ra cánh cửa dẫn về phía cổng đưa ra bầu trời tự do, tôi biết nếu không bỏ lại nỗi cay đắng và lòng hận thù ở đằng sau thì coi như vẫn còn bị cầm tù”. Ông đã làm được điều đó.

Mandela cũng đã thừa nhận: “Tôi không phải là thánh nhân, trừ phi người ta nghĩ vị thánh là người có tội tiếp tục cố gắng sửa đổi… Đừng đánh giá tôi qua những thành công mà hãy đánh giá qua bao nhiêu lần vấp ngã và gượng dậy được”. Tư tưởng thực là sâu sắc! Vì vậy, khi nghĩ về con người vĩ đại này - người đã vượt qua giới hạn chủng tộc, màu da, dân tộc và ý thức hệ - chúng ta không phải nghĩ về một vị thánh hay một con người không hề mắc sai lầm mà là một người đã chấp nhận hy sinh để làm cho dân tộc mình và thế giới được tốt đẹp hơn. Trong vòng hơn 4 thập niên, Mandela đã nhận được hơn 250 giải thưởng.

Người chiến sĩ ngoan cường

Nelson Mandela sinh năm 1918 trong một ngôi làng nhỏ thuộc dòng tộc phong kiến Thembu ở Nam Phi. Ở quê nhà, ông thường được gọi là “Madiba”, một tước hiệu danh dự thường trao cho già làng. Cha mất khi Nelson Mandela mới lên 9 tuổi và ông được vị nhiếp chính của dòng tộc Thembu chăm sóc (cha của Mandela là cố vấn cho hoàng gia Thembu). Năm 1941, lúc 23 tuổi, Mandela chạy trốn cuộc hôn nhân sắp đặt và đến Johannesburg. Hai năm sau, ông đăng ký học luật tại Trường Đại học Witswaterand, nơi ông đã gặp gỡ những người thuộc đủ mọi chủng tộc và thành phần xuất thân. Cùng năm này, Mandela gia nhập Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và sau đó đã đồng sáng lập Liên đoàn Thanh niên ANC.

Năm 1952, Mandela mở văn phòng luật sư ở Johannesburg với một người bạn là Oliver Tambo. Mandela và Tambo cùng nhau vận động chống lại chủ nghĩa apartheid. Năm 1956, Mandela bị cáo buộc tội phản quốc cùng với 155 nhà hoạt động khác nhưng sau phiên tòa kéo dài 4 năm trời, ông được trắng án.

Thế nhưng, ANC bị đặt ra ngoài vòng pháp luật năm 1960 và Mandela lui vào bí mật. Tình trạng căng thẳng với chế độ apartheid tăng thêm và lên đến cao trào mới vào năm 1960 khi 69 người da đen bị cảnh sát bắn chết trong cuộc thảm sát Sharpeville. Cuộc đấu tranh hòa hoãn kết thúc. Mandela - lúc đó là phó chủ tịch ANC - bắt đầu tiến hành cuộc vận động phá hoại kinh tế. Cuối cùng, ông bị bắt vì tội phá hoại và âm mưu lật đổ chính quyền. Mandela đã lợi dụng cơ hội phát biểu tại tòa để truyền đạt niềm tin của ông về dân chủ, tự do và bình đẳng. “Tôi ấp ủ lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, trong đó, tất cả mọi người cùng nhau sống hài hòa và có những cơ hội ngang bằng nhau. Đó là lý tưởng mà tôi sẵn sàng chết vì nó” - ông khẳng định.

Mùa đông 1964, Mandela bị kết án tù chung thân. Trong khoảng năm 1968-1969, mẹ và người con trai cả mất trong một tai nạn ô tô nhưng ông không được tham dự lễ tang. Năm 1980, dưới sự lãnh đạo của Tambo (lúc đó sống lưu vong), ANC tiến hành cuộc vận động quốc tế chống chủ nghĩa apartheid và tập trung vào mục đích yêu cầu trả tự do cho Mandela. Năm 1990, Tổng thống FW de Klerk đã bãi bỏ lệnh cấm đối với ANC. Mandela được tự do và cuộc đàm phán về việc hình thành nền dân chủ đa chủng tộc cho Nam Phi bắt đầu khởi động.

Ba năm sau (1993), ông đoạt giải Nobel Hòa bình. Năm 1994, ông trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên và nắm giữ vai trò dẫn dắt việc mưu cầu hòa bình ở những khu vực xung đột khác. Đài BBC nhận định: “Uy tín, óc khôi hài và không hề cay cú vì bị đối xử nghiệt ngã cũng như câu chuyện đời đáng kinh ngạc của Mandela đã phần nào giải thích vì sao nhân vật huyền thoại này có sức thu hút toàn cầu như vậy”.

Kể từ khi từ chức tổng thống năm 1999, Mandela đã trở thành đại sứ cấp cao của Nam Phi, vận động phòng chống HIV/AIDS và góp phần đem lại cho nước này quyền đăng cai vòng chung kết bóng đá World Cup 2010. Bất chấp những vấn đề về sức khỏe trong những năm gần đây, Mandela vẫn tham gia vào các cuộc thương lượng hòa bình ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi và các quốc gia khác ở châu Phi cũng như những nơi khác nữa. Năm 2004, ở độ tuổi 86, Mandela tạm biệt cuộc sống hoạt động chính trị để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè.
Kỳ tới: Nam Phi thời hậu Madiba

3 vợ, 6 con

Mandela cưới người vợ đầu tiên, Evelyn Mase, vào năm 1944. Họ có 4 người con và ly hôn sau 13 năm chung sống. Năm 1958, Mandela cưới Winnie Madikizela, người phụ nữ sau này có vai trò tích cực trong cuộc vận động giải phóng chồng bà khỏi nhà tù. Họ có 2 con. Cuộc hôn nhân kết thúc vào tháng 3-1996 khi họ ly hôn. Dịp mừng sinh nhật lần thứ 80, Mandela cưới Graca Machel, người vợ góa của cựu tổng thống Mozambique Samora Machel.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo