Bà Savitri Jindal, năm nay 60 tuổi, theo đạo Hindu, là vợ góa của ông Om Prakash Jindal, cựu bộ trưởng năng lượng chính quyền bang Haryana đồng thời là một doanh nhân nổi tiếng ở Ấn Độ. Ông O.P. Jindal chết hồi tháng 3-2005 trong một tai nạn trực thăng để lại một gia sản khổng lồ bao gồm hàng chục công ty thuộc tập đoàn công nghiệp Jindal.
Bà Savitri Jindal. Ảnh: Behind India.com
Vừa là doanh nhân vừa là chính khách
Phần lớn tài sản của O.P Jindal được chuyển qua cho bà Savitri. Công việc quản lý tập đoàn được phân chia cho 4 người con trai trong số 9 người con của hai ông bà Jindal. Đáng chú ý nhất là cậu con út Naveen Jindal hiện là giám đốc điều hành tổ hợp công nghiệp thép và năng lượng Jindal (JSPL) và Sajjan Jindal, anh của Naveen, hiện nay là chủ tịch ASSOCHAM, một cơ quan có ảnh hưởng lớn đến các phòng thương mại đồng thời là chủ tịch tập đoàn JSW, một bộ phận của Tập đoàn công nghiệp Jindal.
Hiện nay, bà Savitri Jindal là chủ tịch của nhiều công ty thuộc Tập đoàn Jindal nhưng được biết đến nhiều nhất là chủ tịch tổ hợp JSPL. Đây là một tổ hợp công nghiệp ăn nên làm ra nhất trong Tập đoàn Jindal, với 50 nhà máy sử dụng hơn 7.000 công nhân ở Ấn Độ và Bolivia, nơi JSPL đã đầu tư ban đầu 1,5 tỉ USD và đang đầu tư thêm 2,1 tỉ USD trong 8 năm tới ở Peru, Chile và Bolivia.
Năm 2009, theo Forbes, tổ hợp JSPL với doanh thu hằng năm 15 tỉ USD đã góp phần không nhỏ trong việc nâng tổng giá trị tài sản của bà Savitri từ 6 tỉ USD lên 12,2 tỉ USD năm 2010. Với kết quả này, bà Savitri được Forbes liệt vào danh sách 10 người kiếm tiền giỏi nhất trong năm 2009 mà bà là người phụ nữ duy nhất.
Không chỉ là doanh nhân giỏi, bà Savitri còn là một chính khách có tiếng tăm ở bang Haryana sau khi chồng bà tử nạn bất ngờ. Tham gia chính trường là một việc mà bà Savitri không hề muốn. Theo báo The Tribune, bà tham chính vì hoàn cảnh bắt buộc.
Phát biểu trước ngày ứng cử vào Hội đồng Lập pháp bang với tư cách là đại diện hạt Hisar, bà Savitri Jindal chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc khi làm công việc nội trợ và không bao giờ có ý nghĩ làm chính trị”. Nhưng theo tờ The Tribune, các con trai của bà , nhất là Naveen Jindal, đại biểu Quốc hội Ấn Độ, đã khuyến khích bà ứng cử vào cơ quan lập pháp địa phương. Hiện nay, bà Savitri là thành viên của Haryana Vidhan Sabba (Hội đồng Lập pháp bang Haryana), phụ trách thuế vụ.
Không sắm xe hơi
Hiện có rất ít thông tin về người phụ nữ giàu nhất Ấn Độ này. Bản lý lịch trích ngang của bà Savitri Jindal trên từ điển bách khoa mở Wikipedia cho biết bà sinh ngày 20-3-1950 tại Tinsukia, bang
Tờ The Tribune cho biết thêm, bà là con gái út trong một gia đình có 5 con ở làng Charkhi Dadri. Bà Savitri còn có hai người chị cũng lấy chồng cùng dòng họ Jindal của chồng bà.
Ngoài chuyện chồng con và kinh doanh, bà Savitri đọc sách rất nhiều, phần lớn là tác phẩm của nhà văn trong nước như Premchand, Sharat Chandra và Shivani. Trước đây, bà thích chơi cầu lông nhưng hiện nay bà dành nhiều thời gian để đi bộ vào buổi chiều. Tối, bà thích xem phim bộ trên các đài truyền hình tuy rằng bà hay chỉ trích phim truyền hình Ấn Độ thiếu giá trị đạo đức: “Các chương trình truyền hình nên khắc sâu vào tâm khảm khán thính giả các giá trị đạo đức”.
Nhật báo The Times of India tỏ ra thích thú khi phát hiện mặc dù giàu có thuộc loại nhất, nhì Ấn Độ, bà Savitri không sắm xe hơi riêng. Nhưng bà không giấu giếm tài sản cá nhân trước cử tri bang Haryana khi ứng cử vào Hội đồng Lập pháp bang này.
Hạng 44 thế giới
Thị trường chứng khoán luôn sống động và một nền kinh tế vẫn còn hùng mạnh là nguyên nhân làm cho Ấn Độ tăng nhiều tỉ phú . Tạp chí Forbes cho biết số tỉ phú đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Cụ thể, trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2010 do Forbes thiết lập, có đến 52 người Ấn Độ so với 27 người năm 2003. Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước dẫn đầu về tỉ lệ gia tăng tỉ phú ở châu Á. Năm ngoái toàn châu Á có 130 tỉ phú. Năm nay con số này đã vọt lên 234 người.
Vinh dự nhất cho Ấn Độ là năm nay trong số 5 người giàu nhất thế giới lần đầu tiên có hai công dân nước này. Đó là Mukesh Anbani, Chủ tịch Tập đoàn Reliance Industries, đứng hạng 4 với số tài sản trị giá 29 tỉ USD và ông “vua thép” Lakshmi Mittal với số tài sản 28,7 tỉ USD, đứng hạng 5.
Bà Savitri Jindal đứng hạng 44 trên thế giới cũng là một niềm tự hào của Ấn Độ. Trong giới nữ tỉ phú thế giới, bà Savitri cũng rất có hạng. Trong số 20 nữ tỉ phú giàu nhất thế giới, bà Savitri đứng thứ 9 và là phụ nữ Ấn Độ duy nhất nằm trong danh sách này. Đứng đầu danh sách là bà Christy Walton, chủ chuỗi cửa hàng bán lẻ Wal-Mart của Mỹ, với số tài sản trị giá 20 tỉ USD.
Tại Ấn Độ, trong số 100 người giàu nhất nước này, bà Savitri Jindal đứng hạng 6. Đây là thứ hạng cao nhất mà một phụ nữ đạt được trong vòng 10 năm qua. Chỉ có 6 phụ nữ trong danh sách này và bà Savitri chiếm hàng đầu.
Kỳ tới: Lý Thư Phúc, người dám nghĩ dám làm
Bình luận (0)