Gần 50 năm trước, theo chủ trương di dân lên vùng kinh tế mới, hàng chục hộ dân đã lên vùng Khe Lấp (khu phố 1, phường 3, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) để khai hoang, lập nghiệp. Làng mạc, nhà cửa bắt đầu hình thành từ đó và đến nay có hơn 40 hộ dân sinh sống, phát triển sản xuất.
Thấp thỏm mong chờ
Ông Nguyễn Văn Hồng (72 tuổi) là một trong những hộ dân đầu tiên đặt chân lên Khe Lấp để khai hoang, lập nghiệp. Đó là năm 1976, khi Khe Lấp còn là vùng đất hoang sơ, rừng rú mênh mông.
Nhớ lại buổi đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, ông Hồng bồi hồi: "Thời điểm đó, Khe Lấp rất hoang vu. Đặc biệt, bom mìn chiến tranh còn sót lại rất nhiều và đây là lý do khiến nhiều người ra đi mãi mãi. Ngày đó, những người dân lên Khe Lấp lập nghiệp luôn trong cảnh thiếu đói. Cùng với việc khai hoang, trồng trọt, họ phải làm thêm đủ thứ nghề để mưu sinh".
Theo ông Hồng, dù khó khăn bủa vây nhưng nhiều hộ dân vẫn quyết tâm bám trụ. Để đến hôm nay, Khe Lấp là một vùng đất trù phú, cây cối xanh tươi, cuộc sống người dân được bảo đảm. Tuy nhiên, điều duy nhất khiến hàng chục hộ dân và bản thân ông trăn trở, buồn lòng là đến nay vẫn chưa được xem xét cấp đất ở, đất vườn để ổn định cuộc sống.
"Khe Lấp được xem như là quê hương thứ 2 của tôi, bởi thanh xuân, mồ hôi nước mắt đã đổ xuống nơi này. Tôi lên Khe Lấp từ lúc 24 tuổi, đến nay 72 tuổi rồi nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp đất ở. Không biết bản thân có chờ đến ngày đó không, khi nhiều người cùng đi khai hoang buổi đầu như tôi có người đã mất, người thì đau ốm nằm một chỗ" - ông Hồng đau đáu.
Ông Phan Tiến Tân (64 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình) cho hay người định cư lâu nhất ở Khe Lấp cũng gần 50 năm nay, người mới nhất cũng đã gần 15 năm. Riêng bản thân ông và gia đình đã định cư ở Khe Lấp ngót nghét 40 năm. Cả 4 người con của ông cũng được sinh ra ở mảnh đất này.
Thời gian qua, tại Khe Lấp, các công trình điện đường, hệ thống giao thông, hệ thống tưới tiêu và nhà văn hóa, nhà mẫu giáo, đình làng đã được nhà nước, nhân dân đầu tư, chung tay xây dựng. Cuộc sống người dân hiện nay đã vơi bớt khó khăn vì cần cù, chịu khó phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
"Tuy nhiên, do không được cấp đất ở nên người dân Khe Lấp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất hay cho - tặng con cái vuông đất để ra riêng. Dù vậy, chúng tôi luôn mong chờ đến ngày được cấp đất ở để ổn định cuộc sống" - ông Tân hy vọng.
Chờ điều chỉnh quy hoạch chung
Cũng vì chưa được xem xét cấp đất ở nên những năm qua, người dân Khe Lấp đã có nhiều đơn thư kiến nghị gửi đến các cấp chính quyền. Dù vậy, đến nay nguyện vọng của người dân vẫn chưa được đáp ứng, giải quyết thấu đáo.
Ông Nguyễn Anh Doãn, Chủ tịch UBND phường 3, khẳng định nhu cầu được cấp đất ở đối với người dân vùng Khe Lấp là hoàn toàn chính đáng. Tại các buổi họp, người dân thường phản ánh về vấn đề này nhưng vẫn chưa được giải quyết vì vướng quy hoạch chung của TP Đông Hà.
"Trên cơ sở nguyện vọng của người dân, UBND phường 3 đã đề xuất các cấp quan tâm, có thể bố trí quy hoạch đất ở theo hiện trạng hoặc hạn mức cho hộ gia đình để bà con có cuộc sống ổn định và xây dựng nhà ở đúng quy định pháp luật. Sau này khi có chủ trương thống nhất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực Khe Lấp theo đất ở hiện trạng thì UBND phường sẽ tạo điều kiện, hướng dẫn người dân thực hiện" - ông Nguyễn Anh Doãn nói.
Theo một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Đông Hà, trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đông Hà đến năm 2045, tại vùng Khe Lấp có 4 khu vực được quy hoạch đất ở. Tuy nhiên, các khu vực này không trùng với vị trí nhà ở của người dân hiện tại. Phần lớn những khu vực người dân làm nhà ở tại Khe Lấp được quy hoạch là đất rừng sản xuất. Việc quy hoạch như vậy là "có phần bất cập".
Theo cán bộ này, trước mắt phải tuân thủ quy hoạch chung đã được phê duyệt. Đối với nguyện vọng sớm được cấp đất ở của người dân Khe Lấp, hiện Phòng Quản lý đô thị TP Đông Hà đang rà soát, tổng hợp lại để đề nghị UBND tỉnh xem xét, thống nhất cho điều chỉnh quy hoạch chung.
Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Đông Hà thông tin sau khi làm xong điều chỉnh quy hoạch chung sẽ tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch phân khu. Từ đó mới có cơ sở để xem xét cấp đất ở cho các hộ dân.
Bình luận (0)