Các trường học thường thiếu chương trình TVHN bài bản, thiếu chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm. Nhận thức của nhiều phụ huynh và học sinh, sinh viên (HSSV) về tầm quan trọng của TVHN chưa đầy đủ, dẫn đến việc lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp, gây lãng phí thời gian lẫn nguồn lực.
Hiện nay, hoạt động TVHN đối mặt 6 vấn đề. Một là, thiếu chương trình TVHN toàn diện, được hệ thống hóa từ bậc tiểu học đến đại học (ĐH). Hậu quả, HS-SV thiếu thông tin về các ngành nghề, xu hướng thị trường lao động và cơ hội nghề nghiệp.
Hai là, thiếu chuyên gia TVHN chất lượng, có kinh nghiệm. Hậu quả là tư vấn không chính xác, không phản ánh đúng thị trường lao động và yếu tố cá nhân của HS-SV.
Ba là, nhiều HS-SV chọn ngành nghề vì áp lực gia đình và xã hội, không theo sở thích và năng lực cá nhân. Hậu quả là sau này, nhiều em thất vọng về công việc của mình.
Bốn là, thiếu hỗ trợ thông tin và TVHN đối với HS-SV gia đình khó khăn. Hậu quả là làm tăng khoảng cách xã hội, giảm cơ hội phát triển bền vững cho các em.
Năm là, TVHN thường thông tin chung chung về ngành nghề, ít chú ý đặc điểm cá nhân của HS-SV. Hậu quả, nhiều em chọn nghề không phù hợp khả năng và mong muốn của mình, dẫn đến thất bại trong sự nghiệp.
Sáu là, thiếu kết nối giữa hệ thống giáo dục với doanh nghiệp. Hậu quả, HS-SV khó cập nhật thông tin về thị trường lao động và yêu cầu nguồn nhân lực, khiến quá trình tìm kiếm việc làm trở nên khó khăn.
Trong hoạt động TVHN, cần giải quyết những khó khăn, bất cập nêu trên để bảo đảm mọi HS-SV đều có cơ hội tìm kiếm, theo đuổi con đường nghề nghiệp phù hợp. Điều này còn giúp cải thiện chất lượng lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
Giải pháp và định hướng cho hoạt động TVHN trước hết là nâng cao nhận thức của cộng đồng, phụ huynh và HS-SV về tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho các giáo viên, tư vấn viên về cách thức TVHN hiệu quả; xây dựng và triển khai chương trình TVHN phù hợp từng đối tượng...
Riêng các trường ĐH, để cải thiện hoạt động TVHN, có thể áp dụng một loạt giải pháp. Theo đó, xây dựng chương trình TVHN toàn diện, bài bản, hệ thống ngay từ năm đầu ĐH. Đào tạo đội ngũ TVHN chuyên nghiệp, có kỹ năng, kiến thức và hiểu biết sâu rộng về thị trường lao động. Tăng cường kết nối với doanh nghiệp để cập nhật thông tin thị trường lao động, xu hướng nghề nghiệp và tạo cơ hội thực tập, việc làmcho SV.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các sự kiện hướng nghiệp để SV gặp gỡ và tìm hiểu trực tiếp từ các chuyên gia, nhà tuyển dụng về thực tế nghề nghiệp. TVHN dựa trên sở thích và khả năng cá nhân, giúp SV hiểu rõ hơn về bản thân, từ đó có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Khuyến khích SV tham gia hoạt động ngoại khóa, dự án thực tế để phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống...
Hoạt động TVHN hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bình luận (0)