Người già thay đổi tính tình do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu họ được sống trong môi trường thoải mái về vật chất lẫn tinh thần thì tính cách của họ cũng sẽ rộng lượng, dễ chịu hơn. Người già thường hay kỹ tính, phần lớn họ từng trải qua thời gian sống khó khăn nên họ luôn biết tiết kiệm, nhiều người già có suy nghĩ cổ hủ, cuộc sống bó hẹp trong gia đình nên sẽ nghĩ đến bản thân nhiều hơn. Ngược lại, giới trẻ hiện nay rất năng động, có lối sống thoải mái, phóng khoáng, trẻ trung, thường ít nghe theo người già hướng dẫn, chỉ bảo. Điều này gây nên những mâu thuẫn trong các gia đình có hai, ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà.
Chính vì thế, để người già “dễ tính” hơn, trong gia đình, mọi người cần ôn hòa, thoải mái, chia sẻ và yêu thương nhau nhiều hơn. Người già sẽ sống vui, sống khỏe khi con cháu hiếu thảo, luôn luôn lễ phép và tôn trọng ý kiến của họ.
Trẻ hóa bản thân
Người già thường hay có suy nghĩ mình không còn khả năng kiếm tiền nên là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhưng bù lại họ là những người có rất nhiều kinh nghiệm và vốn kiến thức sống tích lũy được theo năm tháng. Đó là kho báu quý giá mà người trẻ cần phải học tập nếu họ biết cách khai thác. Hãy để cho họ thể hiện bản thân, như vậy họ mới không cảm thấy mình vô dụng. Luôn thường xuyên hỏi thăm, xin ý kiến, động viên người già làm những gì họ thích để làm họ cảm thấy bận rộn và có ích hơn.
Chuẩn bị tâm lý
Trong giai đoạn sung sức hãy kết hợp làm việc và giải trí, chuẩn bị sẵn sàng về sức khỏe và tâm lý trước khi bước vào thời kỳ “xuống dốc”. Nên duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học và lưu ý giảm những thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng cường ăn nhiều rau tươi, quả chín và các thức ăn giàu chất chống ôxy hóa, đặc biệt là tăng cường tập thể dục.Hơn nữa, cần bổ sung lượng sữa phù hợp với cơ thể, phòng chống loãng xương và thiếu chất dinh dưỡng.
Người già cần giữ cho mình một tâm hồn phong phú với tâm lý luôn sẵn sàng khi trở thành người cao tuổi. Điều này sẽ tránh cho họ tâm lý hoang mang, lo sợ khi về già, sức khỏe giảm sút.
Ủng hộ tham gia thú chơi tao nhã
Về già là thời gian cần được nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống sau nhiều năm cống hiến cho gia đình và xã hội. Thời gian rảnh rỗi, người già có thể tự tìm cho mình những thú chơi tao nhã vừa để tâm hồn thêm thư thái, vừa để rèn luyện sức khỏe.
Đây cũng là cách khám phá thêm khả năng của bản thân mà tuổi trẻ do công việc bận rộn và thời gian eo hẹp, họ chưa có điều kiện để thực hiện. Những thú vui như làm vườn, chơi cây cảnh, chơi chim, chăm bể cá cảnh, nuôi thú cưng hay đi câu cá, đánh cờ…
Có nhiều cách chọn sao phù hợp với niềm yêu thích, sức khỏe và điều kiện gia đình, điều kiện kinh tế của người cao tuổi. Tìm đến các thú chơi tao nhã sẽ rút ngắn thời gian rảnh rỗi có thừa của người già, tránh làm họ cảm thấy buồn chán dễ sinh cáu gắt.
Gắn bó với tập thể
Tuy không còn đi làm nhưng người già vẫn nên duy trì gắn bó với tập thể để giảm bớt sự cô đơn và tìm những niềm vui khác nhau cho mình. Có thể tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, câu lạc bộ người cao tuổi.
Giới trẻ cần có sự quan tâm chăm sóc người già trong thời gian này. Sinh lý đặc trưng chính của người già là thích sum họp gia đình, con cháu, bạn bè. Nên thường xuyên về thăm, tổ chức những buổi họp mặt gia đình. Một bữa cơm ấm cúng có đủ con cháu quây quần xung quanh, đầy ắp tình yêu thương sẽ làm cho người già vui sống.
Vì thế đừng cáu gắt với sự nhiều chuyện, nóng nảy hay suy diễn của người già. Con cháu càng xa lánh, giận dỗi, người già sẽ càng cảm thấy cô đơn và khó tính hơn. Chỉ cần một hành động nhỏ bất kính, thiếu tôn trọng của con cháu với người lớn tuổi trong gia đình sẽ khiến họ cảm thấy tủi thân và tăng thêm phần khó tính.
Bình luận (0)