Đường là carbohydrate được kết tinh làm cho thực phẩm có vị ngọt và gây tranh cãi nhiều là dạng đường fructose, thường gọi là đường bàn ăn hay đường phụ gia hoặc đường nhân tạo - vốn được thêm vào thực phẩm. Giới khoa học ít nêu tác hại của đường glucose, fructose, lactose và maltose. Nguồn đường phụ gia dung nạp thường thấy là từ nước ngọt, bánh kẹo, nước trái cây và những món ăn được chế biến có vị ngọt. Một khảo sát được công bố mới đây trên tạp chí Open Heart nêu khả năng đường phụ gia dễ gây cao huyết áp còn hơn cả muối ăn. Tháng 2-2014, Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ (CDC) công bố khảo sát liên hệ việc dùng nhiều đường với nguy cơ tử vong cao do bệnh tim mạch. Khảo sát được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ hồi năm 2013 ghi nhận tình trạng tăng cân đáng kể ở cả trẻ em và người lớn dùng nhiều đường. Tương tự, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng béo phì ở người dùng nhiều đường. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hồi năm ngoái cho thấy không chỉ fructose mà một số dạng chất ngọt nhân tạo khác cũng làm tăng nguy cơ béo phì và bệnh đái tháo đường. Việc cho chuột dùng nhiều đường cũng khiến chúng chết sớm hơn so với chuột ăn ít đường, theo thí nghiệm ở Mỹ của GS Wayne Potts tại ĐH Utah.
Nhìn chung, nhiều nhà khoa học đồng ý với quan điểm rằng việc dùng trái cây và thực phẩm có sẵn đường khác đã tương đối đủ nên mức độ dùng thêm đường nên hạn chế. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng đường là thành phần thiết yếu và nên có nghiên cứu để khuyến cáo mức độ cần dùng. Trang tin MNT dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng Anh Alison Boyd: “Giống như tất cả nguồn calo, đường cần được tiêu thụ ở mức độ lành mạnh và cân bằng trong khẩu phần như các chất dinh dưỡng cần thiết”. Ngay cả Hội Tim Mỹ (AHA) cũng không đề nghị bỏ hẳn dùng đường nhưng khuyến cáo chỉ ở mức độ, theo đó, nguồn đường không được vượt quá 150 calo/ngày ở nam giới và 100 calo/ngày ở nữ giới.
AHA đề nghị người tiêu dùng hạn chế đường một cách cụ thể như giảm thêm đường vào thức uống như trà, cà phê; thay thế thức uống có đường bằng thức uống không đường; cho ít đường khi làm các loại bánh ngọt và đặc biệt là xem xét kỹ mức độ đường trong thực phẩm, chú ý nhiều hơn lượng đường dung nạp vào cơ thể hằng ngày.
Bình luận (0)