Ngày 8-5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP HCM) diễn ra lễ bế mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2025.
Cấp thiết xây dựng nền kinh tế công bằng
Ban tổ chức đã có tuyên bố chung Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2025. Tuyên bố chung này là hồi đáp của Phật giáo đối với các thách thức cấp bách của thế giới, dựa trên các nguyên tắc bất bạo động, bao dung vì nhân phẩm con người.
Tại tuyên bố chung, các đại biểu tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc cam kết thúc đẩy sự đoàn kết, bao dung vì nhân phẩm con người. Lấy con người làm trung tâm, tôn trọng phẩm giá, không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển bền vững.
Đồng thời, tăng cường hồi đáp của Phật giáo trước những thách thức toàn cầu và những vấn đề cấp bách hiện nay về bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử và chia rẽ chính trị đang làm suy yếu hòa bình và hợp tác.

Bế mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2025. Ảnh: ĐĂNG HUY
Các đại biểu nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết xây dựng nền kinh tế công bằng, dựa trên nhu cầu thực tiễn, được xây dựng theo nguyên lý Phật giáo về tri túc, phân phối tài sản có đạo đức và trách nhiệm luân lý trong việc đặt nhân phẩm con người lên trên lợi nhuận thuần túy.
Các đại biểu kêu gọi các chính phủ thực hiện mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, và phát triển bền vững dựa trên đạo đức sinh thái Phật giáo, đảm bảo rằng các chính sách kinh tế tái tạo luôn phù hợp với sự cân bằng sinh thái, công bằng giữa các thế hệ và ổn định xã hội lâu dài.
Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vui mừng thông báo về việc phê chuẩn và ủng hộ Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 21 tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2026.
Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc trân trọng kính mời chư vị lãnh đạo Phật giáo, học giả, và những người yêu chuộng hòa bình cùng tham dự sự kiện trọng đại này tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
"Di sản sống" về hòa bình và trí tuệ
Tại lễ bế mạc, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trình bày báo cáo tổng kết Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20. Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh bốn phương diện trọng tâm gồm tâm linh, văn hóa, học thuật và cầu nguyện hòa bình thế giới.

Thượng tọa Thích Nhật Từ trình bày báo cáo tổng kết Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20
Thượng tọa Thích Nhật Từ lấy dẫn chứng ở phương diện tâm linh là lễ cung thỉnh, tôn trí Xá-lợi Phật Thích Ca Mâu Ni, cung nghinh "Trái tim bất diệt" của Bồ Tát Thích Quảng Đức để Phật tử đến chiêm bái.
Ở phương diện văn hóa là lễ thượng cờ Phật giáo 500 m2, triển lãm 87 bảo vật quốc gia và di sản kiến trúc Phật giáo...
Ở phương diện học thuật là hội thảo khoa học quy tụ hơn 1.200 học giả, chuyên gia Phật giáo đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với chủ đề "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo cho hòa bình và phát triển bền vững". Trong đó, hàng trăm tham luận khẳng định vị thế Phật giáo toàn cầu và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đối thoại giải pháp các thách thức nhân loại.
Với phương diện cầu nguyện hòa bình thế giới là lễ cầu nguyện tại chùa Thanh Tâm quy tụ 1.300 đại biểu quốc tế, 1.000 Tăng ni, 4.000 sinh viên, 10.000 Phật tử, thắp sáng ngọn đèn trí tuệ giữa bối cảnh thế giới nhiều bất an.
Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 không chỉ là lễ hội tôn giáo quốc tế mà còn là thông điệp về "hòa bình bắt đầu từ chuyển hóa nội tâm", từ bi và trí tuệ. Sự kiện thành công trên cả 4 phương diện đã khẳng định hiệu quả phối hợp giữa Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc và các cấp lãnh đạo, tạo "di sản sống" về hòa bình và trí tuệ cho thế hệ mai sau.
Bình luận (0)