Đó là nhận định của thầy Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP HCM), tại buổi giao lưu trực tuyến "Chọn nguyện vọng vào lớp 10" do Báo Người Lao Động phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức vào chiều 8-5.
Tại buổi giao lưu, thầy Nghi chia sẻ tuổi 15, 16 là độ tuổi đẹp nhất của học sinh, ở tuổi này học sinh vẫn còn rất hồn nhiên. Việc học quan trọng bao nhiêu thì tâm lý học đường cũng quan trọng như vậy. Khi phụ huynh kỳ vọng, đặt nguyện vọng chọn trường THPT quá cao vô tình khiến học sinh bị áp lực trong giai đoạn này.
"Tôi cũng là phụ huynh, cũng có con bước qua giai đoạn chuyển cấp từ THCS lên THPT. Tôi hiểu nỗi lo chung của các bậc phụ huynh. Chọn trường phù hợp là khi con tan học về nhà vẫn vui vẻ chứ không phải mệt nhoài vì còn chất chồng bài tập" – thầy Nghi chia sẻ.
Dẫn chứng từ việc nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học những trường tốp đầu, thậm chí có tấm bằng loại giỏi nhưng vẫn phải làm trái ngành để mưu sinh. Thầy Nghi cho rằng lý do chủ yếu là do sinh viên chưa tìm được ngành học mình thích, phù hợp với năng lực và sở trường.
Thầy Nghi cho biết sau đại dịch COVID-19, trường có nhiều học sinh bị trầm cảm vì nhiều lý do khác nhau, nhà trường phải tìm các chuyên gia tư vấn tâm lý, phối hợp cùng phụ huynh để can thiệp. Điều này chứng minh tâm lý học đường cho học sinh rất quan trọng.
Chia sẻ về cách đăng ký nguyện vọng vào lớp 10, thầy Nguyễn Phú Tân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú (quận 6), gợi ý trước tiên, phụ huynh nên xem kỹ điểm trung bình 3 môn ngữ văn, toán, tiếng Anh đồng thời hỏi thêm giáo viên bộ môn về năng lực của con.
"Trên cơ sở đó tính ra mức điểm chuẩn tạm thời của con. Nguyện vọng 1 là nguyện vọng có điểm chuẩn nhỉnh hơn sức học của con một chút, nguyện vọng 2 ngang với năng lực hiện tại và nguyện vọng 3 là nguyện vọng an toàn, có điểm chuẩn thấp hơn từ 3-4 điểm so với năng lực" – thầy Tân hướng dẫn.
Các chuyên gia nhận định phụ huynh không nên chọn trường có điểm chuẩn chênh lệch quá cao so với sức học của con, nếu không may trượt cơ hội vào THPT thì điều đó gây ra áp lực tâm lý rất lớn. Thay vào đó, phụ huynh nên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con; tạo cho con cảm giác an tâm; không chạy theo thành tích, chọn trường vừa sức; ưu tiên chọn những trường gần nhà để tiện di chuyển, đảm bảo sức khỏe cho con.
Bình luận (0)